DetailController

Văn hóa

Gặp mặt đại biểu đại diện Nghệ nhân Mo dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2014

31/10/2014 00:00
Ngày 31/10, UBND tỉnh tổ chức buổi gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với đại biểu đại diện Nghệ nhân Mo dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2014. Dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy; Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố và 89 đại biểu đại diện Nghệ nhân Mo dân tộc Mường trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao quà lưu niệm cho đại biểu đại diện Nghệ nhân Mo dân tộc Mường trong tỉnh

Phát biểu chào mừng buổi gặp mặt, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc tổ chức buổi gặp mặt của lãnh đạo tỉnh và đại biểu đại diện các nghệ nhân Mo dân tộc Mường thể hiện tình cảm và sự trân trọng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhằm động viên các đại biểu đại diện Nghệ nhân Mo trong tỉnh. Đồng thời thể hiện sự đồng tình giữ gìn di sản Mo Mường để lập hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL công nhận đưa vào danh mục di sản cấp quốc gia và từng bước đề cử Di sản Mo Mường trở thành di sản văn hóa nhân loại. Thông qua buổi gặp mặt này sẽ là một diễn đàn để những nhà nghiên cứu, những nghệ nhân Mo, những nhà quản lý, các vị lãnh đạo cùng nhau thảo luận khẳng định vai trò quan trọng và cần thiết của nghệ nhân Mo trong đời sống văn hóa của dân tộc Mường hiện nay.

Báo cáo vài nét tổng quan về Mo Mường tỉnh Hòa Bình do đồng chí Bùi Ngọc Lâm, TUV, Giám đốc Sở VH,TT&DL nêu rõ: Mo Mường là một Di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Mường nói chung và người Mường tỉnh Hòa Bình nói riêng. Từ lâu, Mo Mường đã được các học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu, được đánh giá là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn, giá trị văn hóa, lịch sử huyền thoại của dân tộc Mường. Tính đến nay, toàn tỉnh có 284 nghệ nhân Mo dân tộc Mường còn hành nghề. Theo điều tra thực tế sự tồn tại và phát triển của Mo dân tộc Mường cho thấy: cơ bản các bài Mo của dân tộc Mường được sử dụng theo nội dung và nguyên tắc nhất định, có một số khác biệt về địa chỉ Mường ma, và cách sử dụng ngôn ngữ mỗi vùng khác nhau và không tránh khỏi một số dị bản. Trong các đám tang của dân tộc Mường có trên 90% số hộ gia đình làm đám tang mời ông Mo về tổ chức các nghi lễ cúng cơm cho người chết như ở vùng Kỳ Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy, thành phố Hòa Bình. 60% các hộ gia đình có tổ chức Mo nhòm, Mo kể, Mo nghi lễ, Mo căn dặn nhưng ở mức rút gọn. Một số vùng sử dụng Mo bị giao thoa như thành phố Hòa Bình; Lũng Văn, Bắc Sơn, huyện Tân Lạc; Đà Bắc; Mai Châu. Hiện nay, một số vùng Mường còn cải tiến để lưu hành các áng Mo trong đám tang như tổ chức Mo vào dịp các ngày cúng 10 ngày, 30 ngày… một số vùng ở Tân Lạc và Kim Bôi; một số vùng còn giữ nguyên bản các Nghi lễ của đám tang cổ như Phú Vinh, huyện Tân Lạc.

Tại buổi gặp mặt, 04 đại biểu đại diện Nghệ nhân Mo dân tộc Mường trong tỉnh đã trình bày tham luận và trực tiếp diễn xướng trích đoạn một số bài Mo. Qua đó, các đại biểu đại diện Nghệ nhân Mo dân tộc Mường trong tỉnh mong muốn được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để duy trì và phát triển thuân phong mỹ tục; góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh và tinh thần của nhân dân dân tộc Mường trong tỉnh.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu đại diện Nghệ nhân Mo dân tộc Mường trong tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh: Những giá trị quý báu của di sản Mo Mường và vai trò lịch sử của các Nghệ nhân Mo đã đem lại sự trường tồn của bản sắc dân tộc Mường; những áng Mo hiện nay vẫn tồn tại và song hành, là những giá trị tinh thần không thể thiếu được trong đời sống của dân tộc Mường. Tuy nhiên, hiện nay trước những biến đổi nhanh chóng của xã hội, cơ chế thị trường, tốc độ đô thị hóa và sự du nhập ảnh hưởng của các nền văn hóa, đội ngũ các thầy Mo lớn tuổi mai một dần, không có người kế cận. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của Mo Mường, của thầy Mo là một vấn đề cấp bách đòi hỏi các cấp các ngành cần quan tâm. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: Trong thời gian tới, cần tổ chức tuyên truyền và thực hiện tốt Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ chín BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cái cấp, ngành và nhân dân. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về văn hóa nói chung và trong công tác quản lý, khai thác di sản văn hóa nói riêng. Đấu tranh chống lại những hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại thuần phong mỹ tục, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đậm đà bản sắc dân tộc. Nghiên cứu có chính sách, chế độ đãi ngộ, công nhận các danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” đối với nghệ nhân Mo tiêu biểu của dân tộc Mường. Tổ chức các hình thức khen thưởng, động viên, gặp mặt và bồi dưỡng kiến thức chính trị, phổ biến pháp luật cho đội ngũ nghệ nhân Mo. Tranh thủ sự ủng hộ, đầu tư và hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, Bộ VH,TT&DL, các Viện Khoa học Văn hóa - Xã hội.

Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trao quà lưu niệm cho 89 đại biểu đại diện Nghệ nhân Mo dân tộc Mường trong tỉnh./.