Tính đến tháng 06/2016 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình luỹ tích các trường hợp nhiễm HIV là 1.848 trường hợp. Người nhiễm HIV đã xuất hiện tại 11/11 huyện/thành phố và 167/210 xã, phường, thị trấn. Dịch HIV/AIDS đang tập trung chính ở nhóm người nghiện chích ma tuý.
Tình hình người nghiện ma tuý tại tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm tháng 6/2016 toàn tỉnh có 1.870 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó số người nghiện có mặt tại cộng đồng (ngoài xã hội) là 1.628 người; 179 người đang trong trại tạm giam Hoà Bình, trong Cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai. Số xã, phường, thị trấn có người nghiện là 138/210, tăng 2 xã so với năm 2016. Ngoài ra, số người sử dụng ma tuý (nghi nghiện) là 325 người. Hình thức sử dụng ma tuý chủ yếu qua con đường tiêm chích, là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả.
Từ tháng 10/2012 đến ngày 30/12/2016 tỉnh đã triển khai 05 cơ sở điều trị (CSĐT) và 04 cơ sở cấp phát thuốc (CSCPT) với 627 bệnh nhân đang được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone. Tính đến nay, chương trình điều trị Methadone tại tỉnh đạt 76,8% chỉ tiêu năm 2016 và đạt 52,16% chỉ tiêu Chính phủ giao. Kết quả ban đầu cho thấy các bệnh nhân phục hồi về mặt sức khoẻ. Bên cạnh đó là sự thay đổi về mặt nhân cách được thể hiện rõ rệt qua việc ăn mặc gọn gàng, nói năng lịch sự, đặc biệt là biết quan tâm đến mọi người xung quanh. Một số trường hợp có việc làm tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội ổn định hơn. Qua theo dõi tình trạng sử dụng ma tuý của các bệnh nhân trước và trong điều trị thì thấy rằng nếu trước khi điều trị 100% bệnh nhân xét nghiệm nước tiểu đều có dương tính với Heroin, thì sau 12 tháng điều trị tỷ lệ này giảm xuống còn 9%. Như vậy, chương trình bước đầu đã đạt được mục tiêu đề ra là giảm sử dụng ma tuý, cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền về lợi ích của điều trị Methadone chưa sâu rộng đến bệnh nhân, gia đình bệnh nhân. Các CSĐT và CSCPT được đặt tại trung tâm các huyện, thành phố trong khi người nghiện lại rải rác tại các huyện/xã/thôn/xóm. Người nghiện không dám tham gia điều trị do sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng. Tình trạng bệnh nhân bỏ dở điều trị còn phổ biến, sự phối hợp giữa gia đình và CSĐT chưa chặt chẽ…
Mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020 là duy trì và mở rộng chương trình điều trị nhằm hạn chế lây nhiễm HIV và các bệnh khác lây truyền qua đường máu, làm giảm nhu cầu sử dụng ma tuý và vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý, góp phần đảm bảo ANTT và ATXH. Cụ thể, đến năm 2020 duy trì 12 CSĐT, 10 CSCPT, mở mới 03 CSCPT điều trị cho 1.200 bệnh nhân. Tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, khó khăn và nguyên nhân trong quá trình triển khai. Từ đó đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ để chương trình được mở rộng, mang lại hiệu quả cao và có tính bền vững. Đặc biệt hướng đến nâng cao chất lượng điều trị đồng thời vận động người bệnh tự nguyện tham gia điều trị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ đánh giá năm 2016 Chương trình Methadone đã được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao do một số nguyên nhân: do khó khăn về nguồn lực, công tác tuyên truyền, sự vào cuộc của các cấp, các ngành…Vì vậy, thời gian tới cần tăng cường mở mới các CSĐT, CSCPT để tăng khả năng tiếp cận và tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của điều trị methadone, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nghiện ma tuý và gia đình người nghiện tự nguyện đăng ký chương trình điều trị.