Chủ tịch UBND xã Dũng Phong Bùi Văn Sắng cho biết, xã nằm cách trung tâm huyện Cao Phong khoảng 8 km, với khoảng 821 hộ dân, tổng số nhân khẩu 3.518 người, được chia thành 8 xóm, có hai dân tộc anh em cùng sinh sống đó là dân tộc Mường và Kinh, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 90% dân số. Là một trong những xã điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới nên Dũng Phong có nhiều lợi thế để triển khai thực hiện phong trào này. Sau 3 năm triển khai, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đã và đang đạt được những kết quả đáng khích lệ. Để đạt được kết quả trên là do xã Dũng Phong luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sát sao của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và huyện Cao Phong. Bên cạnh đó, Đảng ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể xã cũng đã chủ động vào cuộc triển khai đến các cấp, các ngành, đoàn viên, hội viên và đến mọi người dân trong xã biết và tham gia xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh ở mọi lúc, mọi nơi của các hội nghị ở xã, xóm. Trong quá trình tổ chức thực hiện các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn nhân dân đồng tình ủng hộ đóng góp công sức để xây dựng nông thôn mới.
Mặt khác, UBND xã đã thành lập ban quản lý xây dựng nông thôn mới do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, các thành viên là lãnh đạo UBND, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ chuyên môn của ủy ban xã tham gia. Ngoài ra, UBND xã cũng thành lập ban giám sát cộng đồng do trưởng ban thanh tra nhân dân làm trưởng ban và các thành viên là thanh tra viên các xóm. Ở các xóm cũng thành lập tổ giám sát cộng đồng do thành viên nhân dân làm tổ trưởng, các tổ viên là những người có kinh nghiệm trong quản lý xây dựng kết cấu hạ tầng tham gia. Từ đó ban chỉ đạo xã phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách từng lĩnh vực công tác; tổ chức học tập, tuyên truyền nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng kinh tế xã hội của xã theo 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới để lập đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã giai đoạn 2010-2015.
Cũng theo ồng Bùi Văn Sắng, qua đối chiếu với 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Dũng Phong đã đạt được 13/19 tiêu chí. Trong đó có các tiêu chí về quy hoạch và thực hiện quy hoạch; thủy lợi, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, tỷ lệ kiên cố hóa trên 50% số km kênh mương; hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện với tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn đạt hơn 95%; có điểm bưu chính viễn thông, có internet đến thôn; thu nhập đạt 18,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; hình thức tổ chức sản xuất, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động hiệu quả; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học THPT đạt 70%, tỷ lệ lao động được qua đào tạo 20% theo quy định; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế và y tế xã đạt chuẩn quốc gia; có 6/8 số thôn đạt danh hiệu làng văn hóa; hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; an ninh trật tư, an toàn xã hội được bảo đảm.
Vốn là xã thuần nông nên sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của người dân, ngành nghề sản xuất chủ yếu là cấy lúa, trồng mía, chăn nuôi và một số ngành nghề khác. Nhưng do nhân dân cần cù, chịu khó nên kinh tế xã hội của Dũng Phong luôn đạt được những kết quả tốt. Thu nhập bình quân năm sau cao hơn năm trước, trong đó năm 2012 bình quân thu nhập của người dân trong xã là 18,5 triệu đồng/người/năm; kế hoạch năm 2013 là 21 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm, trong đó năm 2011 là 105 hộ, đến năm 2012 là 59 hộ, sự kiến năm 2013 giữ ở mức 7,6%. Trong những năm qua nhân dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhân dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như trồng mía, cam. Từ khi triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới đến nay, xã đã được huyện hỗ trợ gần 500 triệu đồng để xây dựng vùng cam, quýt với diện tích hơn 30 ha. Ngoài ra, huyện cũng đã hỗ trợ 200 triệu đồng mua 40 con lợn rừng giống cho 40 hộ dân nuôi. Sau một thời gian, đến nay mô hình này đang phát triển tốt không chỉ cung cấp sản phẩm có giá trị ra thị trường mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu lớn giống thuần để nhân rộng mô hình này tại địa phương.
Nổi bật trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Dũng Phong đó là việc người dân rất tích cực hưởng ứng tham gia bằng nhiều hình thức. Điển hình là phong trào hiến đất để xây dựng đường làng, ngõ xóm, kênh mương nội đồng. Hiện nay, toàn xã có 821 hộ thì đã có 250 hộ tự nguyện hiến đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Năm 2013, nhân dân đóng góp 1.500 ngày công lao động trị giá 180 triệu đồng, hiến đất thổ cư các công trình hạ tầng, hiến hàng nghìn m2 đất làm đường giao thông trị giá 925 triệu đồng, hiến 4.000 m2 đất làm đường kênh mương nội đồng trị giá 260 triệu đồng, 15 hộ dân đã tự nguyện di dời mồ mả để xây dựng các công trình phúc lợi như chợ, trường học, đường giao thông liên xã...Ngoài ra, trong năm 2013, nguồn kinh phí của tỉnh phân bổ cho xã trên 900 triệu đồng, huyện lồng ghép các chương trình, dự án với kinh phí 16,7 tỷ đồng để xây dựng chợ nông sản, nâng cấp đường khu trung tâm, nâng cấp sân vận động, xây dựng hạ tầng phụ trợ trường mầm non. Đường liên xã đã được nhựa hóa, trong đó, đường từ trung tâm xã đi Nam Phong dài 6 km đã được nhựa hóa mặt đường 3,5 km, mỗi bên lề đường 1,5 m, trong đó, đường từ xóm Nà Bái (Dũng Phong) đi Khuộn và xóm Nam Thành (Nam Phong) 3 km. Các tuyến đường làng ngõ xóm đã bê tông được 6/22,1 km. Về hệ thống kênh mương đã cứng hóa được 17/24 km. 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, bảo đảm an toàn về điện. Trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia...
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề việc làm cho lao động nông thôn UBND xã cũng xác định là khâu quan trong nên đã phối hợp với đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân xã cũng như với các trung tâm dạy nghề của tỉnh và huyện để mở các lớp như kỹ thuật trồng cây có múi, kỹ thuật chăn nuôi, dệt thổ cẩm...Về giáo dục xã có 3 cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được các cấp, các ngành đầu tư nâng trang thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng; chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, học sinh tiên tiến, học sinh giỏi tăng hơn so với năm trước; tỷ lệ lên lớp và chuyển cấp đạt 98%. Về văn hóa và môi trường xã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; đảm bảo vệ sinh môi trường, dùng nước hợp vệ sinh, bảo đảm, an toàn vệ sinh thực phẩm; đường làng ngõ xóm được xanh, sạch, đẹp; các vấn đề về an sinh xã hội luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu. Công tác giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội của địa phương luôn được ổn định và giữ vững không có những vụ việc nghiêm trọng và điểm nóng xảy ra. Một số sự việc xảy ra trên địa bàn đã được giải quyết theo thẩm quyền.
Có thể nói, sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới xã Dũng Phong đã và đang đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Trong đó công tác tổ chức thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm; đối chiếu 19 tiêu chí xã đã đạt 13 tiêu chí và phấn đấu năm 2013 đạt thêm 1 đến 2 tiêu chí là tiêu chí chợ nông thôn và tiêu chí môi trường. Đặc biệt, qua việc vận động, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã rất vui mừng, phấn khởi đồng tình ủng hộ chương trình này bằng việc đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đương giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi.
Tuy nhiên, công tác triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Dũng Phong cũng đang gặp những khó khăn nhất định do công tác triển khai tổ chức, khảo sát đánh giá thực trạng kinh tế, xã hội của địa phương còn lúng túng do chưa có kinh nghiệm; trình độ năng lực cán bộ ban quản lý còn hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, dẫn đến công tác quy hoạch chậm, công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, còn gián đoạn; công tác thẩm định, phê duyệt đồ án còn chậm so với yêu cầu..
Theo ông Bùi Văn Niểm, Phó Chủ tịch UBND xã trong thời gian tới, Dũng Phong sẽ bám sát và quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới để tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt. Đồng thời, động viên, biểu dương, khen thưởng các gia đình và tập thể có thành tích trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới cụ thể là đóng góp công sức lao động, hiến đất, phụ trách từng tiêu chí đã đạt được. Bên cạnh đó, cấp ủy và chính quyền, mặt trận tô quốc, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền vận động cho mọi người dân hiểu về mục đích yêu cầu, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thông qua các hội nghị của xóm, ngành, đoàn thể, khẩu hiệu, pa nô. Đối với cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các ban, ngành đoàn thể phải trực tiếp sâu sát, nắm chắc tình hình nguồn lực của địa phương và cấp trên để phối hợp chỉ đạo điều hành.