DetailController

Văn hóa

Du lịch Hòa Bình - hành trình từ sông ra biển lớn

05/01/2011 00:00
Năm 2010 đánh dấu chặng đường 50 năm (1960 – 2010) xây dựng và trưởng thành của ngành du lịch Việt Nam. Là một trong những tỉnh đầu tiên trên toàn quốc có hoạt động du lịch, Hoà Bình cũng đã đi hết một chặng đường dài. Giống như hành trình của một dòng sông hướng về biển lớn, du lịch Hoà Bình đã vượt qua nhiều ghềnh thác để hoà chung vào dòng chảy của ngành du lịch Việt Nam.
Với đà phát triển hiện có, ngành du lịch Hoà Bình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, tổng thu nhập du lịch đạt 500 tỷ đồng.

Ôn lại truyền thống phát triển của ngành, bà Hoàng Thị Chiển, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Sự phát triển của du lịch Hoà Bình lần lượt được ghi dấu đậm nét trong hoạt động của các công ty: công ty Giao tế Hoà Bình, công ty Giao tế - du lịch Hoà Bình, công ty Giao tế - du lịch Hà Sơn Bình, công ty Du lịch tỉnh Hoà Bình. Trong khoảng 10 năm (1997 – 2007), chức năng quản lý Nhà nước về du lịch được giao cho phòng Du lịch thuộc Sở Thương mại. Sau đó, bắt đầu từ năm 2008 được giao cho sở mới thành lập là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Trong suốt chặng đường lịch sử 50 năm, ngành du lịch đã vượt qua nhiều thách thức để ngày càng khẳng định chắc chắn hơn vai trò, vị thế của một ngành kinh tế đầy hứa hẹn. Với những kết quả đáng ghi nhận, sự phát triển của du lịch Hoà Bình đã thực sự hoà vào sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam, phù hợp với quan điểm phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước.

  Từ chỗ ban đầu chỉ có 5 đơn vị kinh doanh và một vài hộ gia đình ở huyện Mai Châu làm du lịch, sau hàng chục năm gồng mình vượt khó, du lịch Hoà Bình đã đạt được những thành quả đáng tự hào. Nếu như năm 1991, toàn tỉnh mới chỉ có 99 phòng nghỉ, đón 6.768 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 1,62 tỷ đồng, lao động du lịch có 175 người thì đến năm 2010, những con số này đã tăng lên đáng kể: toàn tỉnh có 219 cơ sở lưu trú du lịch, đón khoảng 1.105.000 lượt khách trong năm, thu nhập du lịch ước đạt 340 tỷ đồng và hiện có khoảng 1.400 lao động du lịch. Nhìn chung, ngành luôn giữ được mức tăng trưởng ổn định, sản phẩm ngày càng phong phú hơn, chất lượng dịch vụ được đầu tư nâng cấp, do đó đã tạo sức hút nhất định đối với du khách muôn phương. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có những khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng, sinh thái mang tầm quốc gia, đã có hàng trăm doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống hạ tầng chuyên ngành, giúp cho hiệu quả của hoạt động du lịch ngày càng rõ nét.
 
Ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận: “50 năm là quãng thời gian không dài đối với sự phát triển của một ngành. Song cũng đã đủ để có thể thấy những bước chuyển biến tích cực cả về lượng và chất của ngành du lịch. Hiện nay, đây được xác định là ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững cho kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Chính vì vậy, để phát triển xứng đáng với tiềm năng và tầm vóc của mình, ngành du lịch cần thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, phát huy thành tích đã đạt được, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, tiếp tục có những bước phát triển toàn diện trong giai đoạn mới”.