Thảo luận tại Tổ 9 (gồm các Đoàn Quảng Ninh, Hòa Bình, Bến Tre, Phú Yên) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho rằng: Việc nâng tuổi nghỉ hưu cần có các quy định chi tiết, bảo đảm áp dụng đúng đối tượng và đáp ứng điều kiện về sức khỏe, năng lực. Điều này, sẽ vừa giúp sĩ quan đảm bảo quyền lợi, vừa không ảnh hưởng đến chất lượng công tác và nhu cầu trẻ hóa lực lượng quân đội.
Bảo đảm áp dụng đúng đối tượng
Luật Sĩ quan năm 1999 qua nhiều lần sửa đổi bổ sung (năm 2008, năm 2014) đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc bất cập. Do đó, các đại biểu đếu thống nhất việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan là cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời mong muốn, dự án Luật sẽ thực hiện thông qua quy trình trong một kỳ họp.
Theo Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc, việc quy định độ tuổi và thời gian phục vụ phù hợp không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân sĩ quan mà còn tác động đến hiệu quả hoạt động của toàn lực lượng. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, tỷ lệ lương hưu được tính dựa trên số năm đóng bảo hiểm xã hội, với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ lương hưu sẽ tăng thêm. Để đạt mức hưởng tối đa là 75%, các sĩ quan thường cần có đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội (nam: 35 năm, nữ: 30 năm).
Đối với sĩ quan quân đội, thời gian phục vụ cũng được tính vào thời gian đóng bảo hiểm, nhưng một số người do nhập ngũ hoặc gia nhập lực lượng muộn, hoặc nghỉ hưu sớm theo quy định, nên chưa đủ năm đóng bảo hiểm để đạt tỷ lệ 75%. Việc nâng tuổi nghỉ hưu cho sĩ quan nhằm giúp họ có thêm thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đạt đủ số năm quy định để hưởng mức tối đa là 75%. Điều này sẽ rất phù hợp trong các trường hợp sĩ quan có thâm niên phục vụ lâu dài, giữ các vị trí quan trọng và vẫn bảo đảm được sức khỏe, khả năng công tác.
Tuy nhiên, qua khảo sát tại địa phương, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, cần phải có sự đánh giá kỹ lưỡng về tác động của môi trường lao động (nhất là các yếu tố về tính chất, vị trí, môi trường địa bàn công tác, nhiệm vụ trong quân đội) để bảo đảm điều kiện sức khỏe của sĩ quan. Ngoài ra, việc nâng tuổi nghỉ hưu cần có các quy định chi tiết, bảo đảm áp dụng đúng đối tượng và đáp ứng điều kiện về sức khỏe, năng lực. Điều này, sẽ vừa giúp sĩ quan bảo đảm quyền lợi, vừa không ảnh hưởng đến chất lượng công tác và nhu cầu trẻ hóa lực lượng quân đội. Nhất là đối tượng làm ở những nơi không bảo đảm, ở khu vực biên giới cần có sự cân nhắc để cho những đối tượng này.
Có hướng dẫn chi tiết và nhất quán thực hiện các chính sách nhà ở
Chính sách về nhà ở cho sỹ quan tại ngũ là một trong những chính sách quan trọng nhằm bảo đảm đời sống và ổn định chỗ ở cho cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và gia đình; góp phần nâng cao sự yên tâm công tác, gắn bó lâu dài của họ với lực lượng. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, việc áp dụng quy định về mức hưởng phụ cấp nhà ở, hỗ trợ nhà ở xã hội và bảo đảm nhà ở công vụ cho sĩ quan trong lực lượng vũ trang Quân đội Nhân dân Việt Nam còn gặp một số bất cập.
Trong đó, quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương hạn chế, đặc biệt ở khu vực đô thị lớn nơi nhu cầu nhà ở của sĩ quan, quân nhân rất cao. Thêm vào đó, ngân sách và nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, dẫn đến số lượng nhà ở xây dựng chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Điều này gây áp lực lớn cho sĩ quan khi phải tìm chỗ ở ngoài, thường với giá cao hơn rất nhiều so với khả năng chi trả. Mặt khác, mức phụ cấp nhà ở cho sĩ quan quân đội thường không đủ đáp ứng nhu cầu nhà ở tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nơi có chi phí thuê nhà cao. Điều này khiến nhiều sĩ quan gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở phù hợp. Một số sĩ quan tại các khu vực có chi phí nhà ở cao nhưng nhận mức phụ cấp thấp hơn so với thực tế. Ngoài ra, cấp bậc càng cao thì mức phụ cấp càng cao, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, cấp bậc không phản ánh đúng nhu cầu thực tế về nhà ở của từng sĩ quan, dẫn đến sự thiếu công bằng.
Bên cạnh đó, nhà ở công vụ chưa phân bổ đồng đều giữa các khu vực và cấp bậc, đặc biệt ở các đơn vị có điều kiện khắc nghiệt. Điều này dẫn đến tình trạng một số sĩ quan ở khu vực khó khăn, xa gia đình, không được bố trí nhà ở công vụ phù hợp. Bên cạnh đó, chất lượng nhà ở công vụ thấp, thiếu cơ chế quản lý và bảo dưỡng. Mỗi địa phương và đơn vị có cách thức thực hiện khác nhau, dẫn đến sự không đồng nhất trong việc áp dụng chính sách, gây khó khăn cho sĩ quan trong việc theo dõi và tiếp cận quyền lợi.
Do đó, đại biểu đề nghị cần có hướng dẫn chi tiết và nhất quán giữa các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các chính sách nhà ở, nhằm bảo đảm quyền lợi của sĩ quan được thực thi đồng đều, có quy định cụ thể mức hưởng về phụ cấp nhà ở, hỗ trợ về nhà ở, bảo đảm nhà công vụ theo từng đối tượng đối với lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân.
Đối với việc chính quyền địa phương bố trí quỹ đất và bàn giao cho Bộ Quốc phòng làm cơ quan chủ quản, quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội, ĐBQH Đặng Bích Ngọc nhất trí bổ sung Khoản 5 sau Khoản 4, Điều 47 Luật Sĩ quan quân đội Nhân dân Việt nam. Đây là một nội dung mới, ảnh hưởng và có liên quan tới rất nhiều quy định pháp Luật khác.
Theo đại biểu, việc đánh giá tác động của chính sách cũng đã được Bộ Quốc phòng nêu tại Báo cáo số 4145/BC-BQP ngày 1.10.2024. Quy định này sẽ tác động tích cực như giúp đáp ứng nhu cầu nhà ở cho quân nhân và gia đình họ, tạo điều kiện ổn định đời sống và công tác; đảm bảo sự ổn định của Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024; Quản lý hiệu quả, chặt chẽ, rút gọn về thủ tục và tiến độ dự án.