Theo mô phỏng và thiết kế kỹ thuật, dự án ký túc xá (phường Chăm Mát – TPHB) là một công trình hiện đại, hết sức tiện ích cho HS- SV các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Đó là một tòa nhà 9 tầng với sức chứa 18.000 người cùng các công trình phụ trợ, các dịch vụ thương mại, y tế, văn hóa, thể thao hoàn chỉnh. Tuy nhiên, sau lễ khởi công (tháng 11/2009), đến nay, dự án mới chỉ dừng lại ở một vài công việc mang tính khởi động với hệ thống tường rào bảo vệ đạt khoảng 90% cùng một vài chiếc cọc móng trên khu đất rộng trên 1,28 ha.
Theo kế hoạch, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trong thời gian 24 tháng nhưng đã 16 tháng đã trôi qua, dự kiến đang trở thành “dự báo” và hệ lụy của nó chắc sẽ còn kéo dài khiến hàng trăm học sinh trường Trung học KT-KT Hòa Bình gặp khó khăn về chỗ ở.
Trước khi triển khai thực hiện dự án ký túc xá sinh viên, khu đất trên 1,28 ha do Trường trung học KT-KT quản lý. Đó là nơi sinh hoạt nội trú của từ 500- 600 học sinh đến từ các huyện trong tỉnh cùng 7 hộ giáo viên của trường. Tại đó có căng tin, các loại dịch vụ khá tiện ích, giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của học sinh. Đồng thời, nhà trường cũng phân khu để phục vụ cho giáo viên, học sinh tổ chức các giờ thực hành về trồng trọt, chăn nuôi, rèn luyện thể chất và giáo dục quốc phòng.
Để tạm thời khắc phục trong thời gian xây dựng công trình, trên 600 học sinh của trường đã đi thuê nhà trọ của dân cư khu vực lân cận để ăn ở, sinh hoạt. Với khoảng 70% học sinh là con em gia đình ở khu vực nông thôn, việc thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt đã trở thành vấn đề hết sức nan giải.
Bùi Đức Dũng quê ở xã Bình Sơn (Kim Bôi) cho biết: “Em cùng 2 bạn khác thuê chung một phòng với giá 400.000 đồng/tháng, điện phải trả giá cao 2.500 đồng/kw, nước bơm từ giếng lên bể mỗi tháng cũng hết 20.000 đồng/người. Tằn tiện lắm, mỗi tháng cũng phải mua gạo, thực phẩm hết từ 300 - 350.000 đồng. Trước đây, ở ký túc xá, từ nhà ở đến điện, nước nhà trường chỉ thu 25.000 đồng/người. Ở nông thôn, thu nhập ít ỏi, mỗi tháng bố mẹ phải ky cóp dành ra từ 500- 600.000 đồng, khó khăn lắm. Thương bố mẹ vất vả, chúng em phải tằn tiện để cố gắng học, có bằng, có nghề còn hy vọng kiếm được việc làm”. Thuê chung một phòng với 2 bạn cùng trường với diện tích khoảng 12 m2 vừa ở, vừa nấu nướng, Nguyễn Thị Dung quê ở xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) tỏ ra rất lo lắng: “Giá xăng, điện tăng nên bà chủ nhà cũng thông báo sẽ tăng giá thuê nhà. Chúng em lo lắm, bố mẹ chu cấp có hạn mà giá tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đều tăng. Ở trường em đã có bạn gia đình quá khó khăn đành phải bỏ học”.
Không có khu nội trú đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhà trường, ông Nguyễn Anh Tôn, Hiệu trưởng trường TH KT-KT cho biết: Nhà trường đã có nhiều biện pháp để đẩy mạnh công tác tuyển sinh nhưng do phải đi thuê nhà trọ nên số học sinh vào trường học tập trung năm 2010 và 2011 giảm gần 50% so với năm 2009. Không có ký túc xá cũng là một nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm tới 10%. Bên cạnh đó, do đất đã bàn giao để triển dự án ký túc xá sinh viên nên trường không còn trại chăn nuôi lợn, bò và vườn thực nghiệm. Vì vậy, thầy, trò nhà trường đành phải “dạy chay, học chay” vì không còn khu thực hành, thực tập. Các hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng cũng bị ảnh hưởng lớn.
Việc học sinh thuê nhà trọ trong dân cư cũng gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Ông Nguyễn Anh Tôn cho biết thêm: Để ngăn ngừa những tác động xấu, bảo vệ an toàn tài sản cho học sinh, nhà trường đã phối hợp với CA phường, tổ dân phố nhằm quản lý, nhắc nhở các em nhưng do các em ăn ở phân tán nên không thể kiểm soát hết được. Thực tế cho thấy, môi trường xung quanh trường học đang bị ảnh hưởng phức tạp bởi tệ nạn hàng quán, lô đề, cầm đồ, cho vay nặng lãi, trò chơi trực tuyến mang nội dung không lành mạnh đã tác động lớn đến tâm lý, hành vi của các em học sinh. Đây là những nguy cơ khiến cho công tác quản lý học sinh của nhà trường ngày càng khó khăn.
Với nội dung đào tạo chính quy gồm các ngành kế toán tài chính, kỹ thuật nông- lâm nghiệp, công nghệ thông tin, hệ vừa học, vừa làm; liên kết với các trường đại học, cao đẳng đào tạo một số ngành trường chưa có hoặc chưa có thế mạnh; đào tạo nghề cho một số dự án, đào tạo lại cán bộ, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ… những năm qua, trường TH KT-KT đã góp phần trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ xã, phường, các doanh nghiệp. Với mục tiêu nâng lên thành hệ cao đẳng, trường Trung học KT-KT rất mong muốn dự án ký túc xá sinh viên được triển khai đúng tiến độ để hoàn chỉnh cơ sở vật chất. Tuy nhiên, đã 16 tháng trôi qua và việc triển khai thi công vẫn “án binh bất động” thì thầy, trò nhà trường chỉ còn biết khắc khoải chờ đợi (?!).