DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc với ngành Ngân hàng tỉnh Hòa Bình

23/08/2023 14:58
Chiều 22/8, Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hòa Bình và các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Cùng tham gia đoàn có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp; Công an tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc

Đến thời ngày 31/7/2023, số lượng các ngân hàng, tổ chức tín dụng (NH,TCTD) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gồm có: 10 Chi nhánh cấp I của các TCTD: NH Nông nghiệp &PTNT, NHTMCP Đầu tư & Phát triển, NHTMCP Công thương, NHTMCP Ngoại thương, NHTMCP Việt Nam Thịnh vượng, NHTMCP Bưu điện - Liên Việt, NHTMCP Quân đội, NHTMCP Bắc Á, NHTMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank); Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Các đơn vị mạng lưới trực thuộc chi nhánh cấp I: 12 chi nhánh NHNN&PTNT các huyện, thành phố; 47 phòng giao dịch của các NHTM và 151 điểm giao dịch của ngân hàng Chính sách xã hội; 04 Quỹ tín dụng Nhân dân; 03 Chương trình Dự án tài chính vi mô; 939 điểm giới thiệu dịch vụ của các Công ty tài chính tiêu dùng.

Tính đến hết tháng 7/2023, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 6/2023 với mức giảm từ 0,5-2%/năm, để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân. Theo đó, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định về trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, quy định về lãi suất cho vay tối đa đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, giữ ổn định thị trường tiền tệ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đề giảm mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 – 2%/năm trong những tháng cuối năm 2023. Đến cuối tháng 7/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM giảm khoảng 2%/năm so với cuối năm 2022; các NHTM đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay đối với các đối tượng khách hàng và lĩnh vực.

 Tổng nguồn vốn khả dụng đến 31/7/2023 đạt 43.029 tỷ đồng, tăng 6,4% so với 31/12/2022. Tổng dư nợ cho vay các ngân hàng, TCTD đạt 36.187 tỷ đồng, tăng 1.836 tỷ đồng (tăng 5,3%) so với 31/12/2022. Nợ xấu nội bảng 501 tỷ đồng chiếm 1,39%/tổng dư nợ. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 17.161 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,4%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 7.940 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22%/tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu 40 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ 22 tỷ đồng... Kết quả thu hồi nợ xấu đến 30/6/2023 của các NH, TCTD trên địa bàn đạt 1.420 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam…

Tại buổi làm việc, đại diện Ban giám đốc các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chia sẻ những khó khăn, hạn chế trong triển khai cơ chế, chính sách,  khả năng tiếp cận đầu tư, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, tình hình sản xuất, kinh doanh trầm lắng…; qua đó đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ những khó khăn, ảnh hưởng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án công trình giao thông trọng điểm, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực địa phương có lợi thế cạnh tranh: du lịch, dịch vụ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…từng bước phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp cận đầu tư, tạo môi trường cho hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị NHNN tỉnh và các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của của Chính phủ, Cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh và NHNN Việt Nam về định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, xây dựng kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các chương trình, dự án  phát triển kinh tế trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. NHNN tiếp tục quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh, đào tào bồi dưỡng cán bộ làm công tác QLNN về ngân hàng, nắm chắc và tuân thủ các quy định của pháp luật. Xác định việc đảm bảo các khoản vay cho người dân là ưu tiên hàng đầu; các nguồn huy động tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh; tăng cường các giải pháp xử lý nợ xấu, chủ động phòng ngừa nợ xấu phát sinh. Chủ động thông tin đến người dân các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận vốn tín dụng, ngân hàng. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương sửa đổi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt gắn với chuyển đổi số, góp phần công khai minh bạch tài chính, phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và người dân, chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần xây dựng mục tiêu phát triển gắn với sự phát triển chung của tỉnh Hòa Bình./.