Đền Cò Lào thuộc thôn Minh Thành, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Ngôi Đền được khởi dựng từ lâu đời. Đền xưa toạ lạc trên khu đất có tên gọi Gò Lạ, là một gò đất cao với diện tích vài nghìn mét vuông. Trải qua thời gian mưa nắng, ngôi đền bị hư hỏng. Đến những năm đầu thế kỷ XX, đền được xây dựng lại bằng gỗ, đền có kết cấu kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 3 gian đại bái và 1 gian hậu cung, kiểu thức 4 mái, mái lợp bằng ngói vảy.
Ngôi đền sau một thời gian dài tồn tại. Đặc biệt trong thời kỳ chống Pháp, do ảnh hưởng của chiến tranh các hạng mục kiến trúc, đồ tế tự, những hiện vật liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng tại đền Cò Lào bị mai một dần. Sau năm 1954, thủ từ của đền là cụ Quách Văn Đồi đã đưa bát hương về thờ tại gia đình của mình. Năm 1959, khi thành lập hợp tác xã Minh Thành, ngôi đền được nhân dân tu sửa lại làm kho của hợp tác xã. Đến khoảng năm 1991, 1992 do ảnh hưởng của thời gian và mưa bão đền đã bị sập hoàn toàn. Gia đình nhà ông Quách Văn Đón đã chặt bương, tre dựng một ngôi nhà tạm trên nền đất cũ làm nơi thờ cúng.
Hiện nay, đền Cò Lào được phục dựng vẫn trên nền xưa đất cũ, đền được xây bằng gạch, xi măng, xây tường hồi bít đốc, vì kèo được làm bằng khung sắt, mái lợp tôn đỏ, nền láng xi măng. Trải qua thời gian và những biến cố lịch sử, hiện vật cũ của đền đã bị thất lạc rất nhiều, hiện nay tại di tích còn lưu giữ lại được 05 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến nhà Nguyễn phong cho các vị thần được thờ tại di tích (Tự Đức thứ 6 (1853); Tự Đức 33 (1880); Đồng Khánh thứ 2 (1887); Duy Tân thứ 3 (1909); Khải Định thứ 9 (1924), và một số đồ thờ tự cổ quý 01 hòn để sắc; 03 bát hương men trắng vẽ lam; 01 chiêng đồng cùng nhiều dấu tích của đá tảng kê và cột đình còn được lưu giữ…
Đền Cò Lào là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tinh thần của nhân dân Mường Teo xưa. Đây là ngôi đền cổ có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm. Quá trình hình thành và phát triển của đền Cò Lào gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng dân cư Việt - Mường ở vùng Hậu Bổng, châu Lạc Thủy.
Xưa kia, cứ đến tháng Giêng âm lịch thì cả Mường Teo tập trung mở lễ hội tại đền Cò Lào, tục gọi là lễ Khai hạ Mường Teo. Lễ hội tổ chức từ ngày mùng 6 đến trưa ngày mùng 7. Trải qua nhiều biến động về lịch sử, chiến tranh và tác động của thiên tai, đền Cò Lào đã nhiều lần bị phá hủy rồi được tu sửa lại. Tuy nhiên, lễ hội tại đền Cò Lào vẫn luôn được nhân dân địa phương duy trì, nhưng cũng có nhiều thay đổi và đơn giản hơn lễ hội xưa , ông thủ nhang sẽ là người đại diện đứng cúng lễ cầu mong được phù hộ, che chở cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người an, vật thịnh cho dân làng. Phần hội tại đền tổ chức giao lưu văn nghệ với quy mô nhỏ, dân làng tập trung hát múa, thổi sáo, đánh trống, hát hò tạo không khí vui nhộn, náo nhiệt.
Với quá trình hình thành, tồn tại, phát triển và những giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, di tích Đền Cỏ Lào được UBND tỉnh ban hành Quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2023.