DetailController

Trồng trọt

Dồn điền đổi thửa tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

04/07/2023 16:30
Hòa Bình là tỉnh miền núi, cửa ngõ của vùng Tây Bắc; có nhiều điều kiện lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao; tiếp giáp với thị trường rộng lớn là Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Tổng diện tích đất trồng trọt toàn tỉnh là 92,632 nghìn ha; trong đó đất lúa là 31,167 nghìn ha; đất trồng cây hàng năm là 30,982 nghìn ha; đất trồng cây lâu năm là 30,482 nghìn ha.
Sản phẩm rau an toàn của HTX nông nghiệp hữu cơ Lương Sơn được người dân ưa chuộng

Xuất phát từ thực tế sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún, kém hiệu quả

Tỉnh Hòa Bình có tổng diện tích đất trồng trọt toàn tỉnh là 92,632 nghìn ha; trong đó đất lúa là 31,167 nghìn ha; đất trồng cây hàng năm là 30,982 nghìn ha; đất trồng cây lâu năm là 30,482 nghìn ha. Diện tích gieo trồng cây hàng năm trên 120 nghìn ha, trong đó diện tích cây lương thực có hạt trên 72 nghìn ha; sản lượng lương thực có hạt 36 vạn tấn. Một số loại cây trồng chủ lực khác như: Cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi) diện tích trên 9,6 nghìn ha; Cây mía trên 7 nghìn ha; Cây rau đậu các loại 14 nghìn ha. Cây ăn quả khác (nhãn, vải, na, chuối) khoảng 4,5 nghìn ha. Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU, ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 35-CT/TU) sản xuất trồng trọt của tỉnh có bước phát triển khá; năng suất, chất lượng nông sản của tỉnh không ngừng được tăng lên. Đã xác định được những cây trồng chủ lực của tỉnh để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm phục vụ tiêu thụ trong nước, bước đầu đã xuất khẩu đi các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,.. Diện mạo đồng ruộng, nông thôn có sự thay đổi lớn, hệ thống kênh mương, đường nội đồng được đầu tư bài bản, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất được thuận lợi, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

 

Sau khi Chỉ thị số 35-CT/TU ban hành, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát diện tích đất có khả năng dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích 16.159ha. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, kết quả lũy kế đến hết năm 2022 toàn tỉnh đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 4.407,85 ha; trong đó: Diện tích thực hiện dồn điền, đổi thửa trước khi Chỉ thị số 35-CT/TU ban hành là 2.599,42 ha. Diện tích thực hiện dồn điền, đổi thửa sau khi ban hành Chỉ thị số 35- CT/TU là 1.808,43 ha, diện tích này chủ yếu tập trung trên diện tích đất lúa. Về hình thức dồn điền, đổi thửa: Diện tích dồn điền, đổi thửa là 3.693,52 ha (chiếm 83,79%); diện tích dồn điền nhưng không đổi thửa là 41,21 ha (chiếm 0,93%) và diện tích đổi thửa nhưng không dồn điền là 673,12 ha (chiếm 15,27%). Có 8/10 huyện, thành phố có diện tích dồn điền, đổi thửa . Lũy kế số xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa đạt 69/129 xã, chiếm 53,5% (vượt yêu cầu Chỉ thị số 35-CT/TU đã đề ra là 50% số xã). Một số huyện đã triển khai công tác dồn điền, đổi thửa tốt như huyện Lạc Sơn (23/24 xã, thị trấn); Lạc Thủy (10/10 xã, thị trấn); huyện Kim Bôi (14/17 xã, thị trấn) và huyện Yên Thủy (6/11 xã, thị trấn). Tuy nhiên, số xã hoàn thành kế hoạch dồn điền, đổi thửa theo đăng ký còn thấp đạt 7/129 xã, chiếm 5,4%.

Hiệu quả rõ nét của công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn

Việc dồn điền, đổi thửa đã tác động tích cực đến sản xuất trồng trọt, cụ thể: Bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ đã giảm từ 37-50% tại các địa phương triển khai thực hiện (trung bình từ 7-11 thửa, cá biệt có những hộ 21 thửa nay giảm còn bình quân 2,4-3,7 thửa và mỗi xứ đồng còn 1-2 thửa trên hộ sản xuất). Tại huyện Yên Thủy diện tích bình quân mỗi thửa trước khi dồn, đổi là 625 m2, sau khi dồn đổi diện tích bình quân mỗi thửa tăng lên 1.769m2. Thông qua dồn điền, đổi thửa, diện tích đất công ích (đất 5%), đất phục vụ giãn dân, đất nghĩa trang, đất phục vụ cho chương trình nông thôn mới được quy hoạch tập trung thuận tiện cho việc quản lý.

Hình thành những thửa ruộng, cánh đồng lớn, kết hợp xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Tại huyện Kim Bôi đảm bảo 72% diện tích canh tác trồng trọt được tưới tiêu chủ động; 50% đường nội đồng được nâng cấp, kiên cố hóa. Xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỷ lệ đường giao thông nội đồng được cứng hóa bằng bê tông đạt trên 90% tại khu dồn điền, đổi thửa; huyện Lương Sơn, tăng đầu tư thâm canh trên diện tích sau dồn điền đổi thửa giúp năng suất tăng bình quân từ 15 - 20%.

Sau dồn điền đổi thửa, việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, nhanh chóng, tạo động lực thúc đẩy cơ giới hóa và người nông dân gắn bó với đồng ruộng hơn, giảm được các chi phí nhân công. Tại huyện Lạc Thủy, việc dồn điển, đổi thửa cùng với đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng đã giảm được trung bình 02 công lao động/sào đối với trồng lúa. Các xã Yên Trị, Ngọc Lương, huyện Yên Thủy người dân sử dụng máy lên luống phục vụ làm đất, gieo trồng cây màu giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí trên 3 triệu đồng/ha so với phương pháp thủ công. Trong năm 2021, tỷ lệ cơ giời hóa trong khâu làm đất lúa của tỉnh đạt trung bình trên 90%; tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa trên 55%; bước đầu ứng dụng hiệu quả giải pháp sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong phòng trừ dịch hại cây trồng (sử dụng cho 832 ha lúa và 50 ha sắn).

Công tác dồn điền, đổi thửa bước đầu đã thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác; trong đó diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang các cây trồng có giá trị cao như cây nhãn, cây ổi, cây mía, cây ngô, cây rau mầu ngắn ngày. Giai đoạn từ 2019 - 2021, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn tỉnh đạt 6.759,97 ha cụ thể: Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây hàng năm là 6.290,53 ha. Loại cây trồng được chuyển đổi chính gồm: Ngô lấy hạt, ngô sinh khối, rau đậu các loại (bí xanh, dưa chuột...), mía, cây dược liệu, cỏ chăn nuôi,...

Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây lâu năm là 225,87 ha. Loại cây được chuyển đổi chính gồm: Nhãn, ổi, táo,...Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 17,7 ha.

Một số mô hình, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa đạt hiệu quả cao như: Chuyển đổi trồng các loại rau họ bầu bí (bí xanh, dưa chuột, rau lấy quả khác) tại huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn cho thu nhập trung bình 120 - 150 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình trồng nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm; trồng mía thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Việc dồn điền, đổi thửa còn thúc đẩy các địa phương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như: Mô hình gieo cấy giống lúa chất lượng cao J02 tại huyện Đà Bắc; mô hình chuỗi sản xuất dưa chuột xuất khẩu của Công ty TNHH Pacific, Công ty Hagimex,... đối với những diện tích đất trồng mầu, đất khác việc dồn điền, đổi thửa chủ yếu để chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cây cam, bưởi, nhãn,...

Công tác dồn điền, đổi thửa tại các địa phương đã tạo thuận lợi cho hoạt động chứng nhận vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ; cấp mã số vùng trồng, xây dựng vùng trồng đồng nhất đảm bảo đủ điều kiện cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Đến hết quý 3 năm 2022, tổng diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ,... là 2.297 ha trong đó: diện tích cây có múi được chứng nhận 1.651 ha; diện tích rau, củ, quả các loại được chứng nhận 311,03 ha; diện tích cây trồng khác được chứng nhận 335,53 ha.

Tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện công tác dồn điền đổi thửa tại các địa phương

Dù bước đầu đã gặt hái được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung quy mô, diện tích thực hiện dồn điền, đổi thửa; số xã hoàn thành kế hoạch vẫn đạt tỷ lệ thấp so với yêu cầu đề ra. Một số địa phương trong 05 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU không có diện tích dồn điền, đổi thửa hoặc không tổng hợp những diện tích đất người dân tự dồn đổi, diện tích được dồn đổi trên đất trồng cây ăn quả lâu năm, đất trồng cây hàng năm đã làm giảm chỉ tiêu chung của toàn tỉnh. Một số địa phương công tác trích đo bản đồ địa chính, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa còn nhiều bất cập, chậm tiến độ. Một số khu vực, xứ đồng trong kế hoạch dồn điền, đổi thửa nhưng được quy hoạch làm các khu đô thị, khu dân cư, xây dựng công trình phúc lợi nên bị tạm dừng. Việc triển khai cánh đồng mẫu, mô hình ứng dụng cơ giới hóa, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới còn hạn chế….Hệ thống kênh mương chưa thực sự phù hợp với yêu cầu sản xuất. Việc lựa chọn cây trồng và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn còn là bài toán nan giải.

Vì vậy trong thời gian tới, cần sự nỗ lực, chung tay của cấp ủy, chính quyền và toàn thể người dân trong thực hiện dồn điền đổi thửa, phát triển sản xuất. Đôn đốc thực hiện dồn điền, đổi thửa tại từng xã, từng xóm, đặc biệt những xã đang hoàn thiện các tiêu chí về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xác định rõ khu vực, diện tích thực hiện dồn điền đổi thửa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dồn, đổi đúng trình tự, thủ tục. Gắn việc dồn đổi với chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách linh hoạt, phù hợp và đáp ứng nhu cầu thị trường trong từng giai đoạn. Ưu tiên và bố trí nguồn vốn phát triển sản xuất, nâng cấp hạ tầng giao thông nội đồng, thủy lợi. Tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đối với hoạt động dồn điền đổi thửa, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc triển khai thực hiện./.