Toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở đã được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN. Trong đó có 12 cơ sở GDNN, gồm: 6 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 2 trung tâm giáo GDNN; 13 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Phân theo loại hình sở hữu có 16 cơ sở công lập, 9 cơ sở tư thục. Công tác mua sắm thiết bị đã và đang được đầu tư trang bị theo nhu cầu các đơn vị, trường học; danh mục thiết bị dạy học tối thiểu được đầu tư hàng năm theo nhu cầu thiết yếu phục vụ giảng dạy của giáo viên. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng thiết bị dạy học được chỉ đạo sâu sát nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng.
Các cơ sở GDNN cơ bản đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo của tỉnh. Theo thống kê đến tháng 6/2024, quy mô tuyển sinh của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đạt khoảng trên 19.640 người/năm. Trong đó, quy mô tuyển sinh trình độ Cao đẳng là 860 người, trình độ Trung cấp là 3.780 người, trình độ Sơ cấp là 6.500 người; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là khoảng trên 8.500 lượt người. Công tác tuyên truyền về GDNN cũng được quan tâm, chú trọng tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyền sinh, hướng nghiệp đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp; đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn ở các cấp độ và phạm vi khác nhau về phát triển nâng cao chất lượng GDNN gắn với nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm bền vững. Một số ngành, nghề trọng điểm được đầu tư thiết bị đồng bộ, hiện đại, tiên tiến phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Chương trình, giáo trình đào tạo thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế; đưa nội dung kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp; an toàn, vệ sinh lao động vào chương trình đào tạo, chú trọng phát triển phẩm chất, giáo dục nhân cách.
Song song với các hoạt động trên, các cơ sở GDNN không ngừng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, tiến tới đạt chuẩn về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm; chất lượng cán bộ quản lý GDNN cũng từng bước được nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 204 cán bộ quản lý và 753 nhà giáo tại các cơ sở GDNN. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã thực hiện tuyển sinh, đào tạo trên 52.400 lượt người.
Năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 67.500 số người trong độ tuổi đến trường cấp THCS và 39.500 người cấp THPT. Để đáp ứng nhu cầu học tập, năm học 2024-2025, khối Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố dự kiến tuyển sinh vào học chương trình. Đồng thời, các trường thực hiện chương trình liên kết đào tạo 3 năm 2 bằng giữa cơ sở GNNN với các Trung tâm GDTX, 3 Trường nghề trực thuộc tỉnh (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hòa Bình và trường Trung cấp Y tế Hòa Bình) được giao tuyển sinh 1.750 chỉ tiêu. Ngoài ra, còn một số trường Cao đẳng, Trung cấp nghề thuộc các Bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện chương trình liên kết đào tạo 3 năm 2 bằng theo quy định của Luật GDNN; thực hiện tuyển sinh lớp 10 hệ tư thục tại Trường Phổ thông liên cấp Sao Mai. Như vậy, so với số học sinh lớp 9 đã tốt nghiệp THCS và số học sinh đã tuyển vào lớp 10 THPT, lớp 10 các Trung tâm GDNN-GDTX và kế hoạch tuyển sinh vào các trường Trung cấp, Cao đẳng, Trường phổ thông tư thục đảm bảo 100% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục đi học khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu tuyển sinh, đào tạo nghề còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Chất lượng đầu vào của người học tham gia học nghề thấp, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực đào tạo còn hạn chế. Công tác tuyển sinh ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn, nhiều năm không tuyển đủ chỉ tiêu. Công tác hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT chưa được quan tâm đúng mức, kết quả chưa cao...
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp các ngành tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 248-KH/TU ngày 26/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về GDNN, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác GDNN. Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời các ngành nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của doanh nghiệp được cụ thể hóa tại các Đề án của tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo có chiều sâu, tập trung chuyên sâu cho các mô đun chuyên ngành, không dàn trải có tính chất kế thừa, phát triển, đặc biệt những nghề trọng điểm quốc gia đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt. Thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 về lĩnh vực GDNN. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề ở các cấp trình độ, thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng đào tạo. Chỉ đạo các cơ sở GDNN hoạt động trên địa bàn tỉnh thực hiện rà soát, chuyển đổi, bổ sung ngành nghề đào tạo phù hợp với thị trường lao động; tập trung các nghề thuộc ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp khác; đào tạo nguồn nhân lực nhằm giải quyết nhu cầu lao động cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đảm bảo thanh niên học nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Tăng cường công tác thống kê dữ liệu về thị trường lao động; phân tích dự báo, cung cấp thông tin về cung - cầu lao động làm căn cứ cho các cơ sở GDNN xây dựng và thực hiện mục tiêu, kế hoạch đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động trên địa bàn tỉnh./.