Tuy nhiên, trong số các DN hài lòng với sử dụng hóa đơn điện tử thì vẫn còn nhiều trăn trở về một số vấn đề khi áp dụng các quy định về hóa đơn điện tử như: thời điểm bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, ngày ký và ngày lập trên hóa đơn khác nhau phải giải quyết như thế nào? DN có được sử dụng hóa đơn điện tử song song với hóa đơn giấy khi đến ngày bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử của Nghị định 119/2019/NĐ-CP đã quy định hay không? Hóa đơn điện tử có được phép lập bảng kê hay không? DN có phải hủy hóa đơn giấy khi chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử không? Để kịp thời hỗ trợ cơ quan thuế địa phương giải tỏa các băn khoăn của DN, ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ.
Thời điểm bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử
Từ ngày Nghị định 123/2020/NĐ-CP được ban hành đến 30/6/2022, trong trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định này hoặc Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, nhưng cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo mẫu số 03/DL-hóa đơn điện tử - phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này cùng với việc nộp tờ khai thuế GTGT.
Nghị định cũng nhấn mạnh, riêng trường hợp cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày Nghị định 123/2020/NĐ-CP được ban hành đến ngày 30/6/2022, nếu cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định này thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế.
DN có phải hủy hóa đơn giấy đang sử dụng không?
Nghị định quy định, đối với DN, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn trước ngày Nghị định 123/2020/NĐ-CP được ban hành thì được tiếp tục dùng hóa đơn đang sử dụng đến hết ngày 30/6/2022. Đồng thời, thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại các Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Khai thuế theo thời điểm ký hóa đơn hay thời điểm lập hóa đơn?
Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn, thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn. Như vậy hóa đơn điện tử có chữ ký khác ngày lập vẫn được xem là hóa đơn hợp pháp.
Chuyển đổi hóa đơn điện tử thành chứng từ giấy
Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định rõ hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử hợp pháp được chuyển đổi thành hóa đơn, chứng từ giấy khi có yêu cầu, miễn là việc chuyển đổi phải bảo đảm sự khớp đúng giữa nội dung của hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử với hóa đơn, chứng từ giấy.
Khi đã được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử, thì hóa đơn, chứng từ giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về giao dịch điện tử, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán, trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP mà không yêu cầu bắt buộc bên bán phải ký xác nhận trên hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử.
Hóa đơn điện tử có được phép dùng bảng kê kèm theo không?
Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định, đối với các dịch vụ xuất theo kỳ phát sinh, được sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn; bảng kê được lưu giữ cùng hóa đơn để phục vụ việc kiểm tra, đối chiếu của các cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, hóa đơn phải ghi rõ “kèm theo bảng kê số..., ngày... tháng... năm”. Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hoá, dịch vụ, số lượng, đơn giá, thành tiền hàng hoá, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập bảng kê. Trường hợp người bán nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì bảng kê phải có tiêu thức “thuế suất GTGT” và “tiền thuế GTGT”. Tổng cộng tiền thanh toán đúng với số tiền ghi trên hóa đơn GTGT. Hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày. Bảng kê phải ghi rõ “kèm theo hóa đơn số ngày... tháng... năm”. Người bán ghi đơn giá hàng hóa, dịch vụ theo đơn vị tính nêu trên. Trường hợp các hàng hóa, dịch vụ sử dụng bảng kê để liệt kê các hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có đơn giá.
Xử lý hóa đơn điện tử đã lập nhưng bị sai sót
Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định rõ, trường hợp sai sót về tên, địa chỉ của người mua, nhưng không sai mã số thuế và các nội dung khác thì người bán được lập thông báo cho người mua, cơ quan thuế. Đồng thời, người bán không phải lập lại hóa đơn. Đối với các trường hợp sai sót khác thì DN có thể lựa chọn 1 trong 2 cách là lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế. Trên hóa đơn điện tử mới thay thế hoặc điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế/ điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm. Ngoài ra Nghị định 123/2020/NĐ-CP còn quy định nhiều nội dung khác, tạo điều kiện cho DN chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử một cách thuận lợi./.