Kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG
Trong phiên thảo luận Tổ sáng 24.10, cùng với các ĐBQH tỉnh Bình Phước, Yên Bái, Bình Thuận, các ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tập trung đóng góp ý kiến liên quan đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV.
Theo đó, các đại biểu cơ bản đồng tình với những đánh giá về kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế mà báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra đã chỉ ra. Từ thực tiễn tại cơ sở, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc nhận thấy: Thời gian qua, tình kinh tế đất nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều lao động mất việc làm, việc giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Mặc dù Quốc hội, Chính phủ rất quyết liệt và các địa phương đã tập trung để chỉ đạo việc thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia, nhưng qua giám sát thực tế, việc triển khai hiện nay còn nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ giải ngân còn rất thấp.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, nguyên nhân tình trạng trên là do cơ chế chính sách khi nhiều nội dung hướng dẫn vẫn chưa đầy đủ; đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trực tiếp còn yếu, gây khó khăn cho việc triển khai các chương trình. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, mục đầu tư khi triển khai xuống cơ sở không phù hợp gây việc giải ngân vốn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu quan ngại, nếu không tiếp tục kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn này đến hết năm 2023 thì việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ở Hòa Bình nói riêng và các địa phương khác nói chung sẽ rất khó khăn.
Bên cạnh đó, qua tiếp xúc cử tri, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cũng phản ánh: Hiện nay, cử tri rất lo lắng trào lưu trẻ em trong độ tuổi vị thành niên sử dụng mạng xã hội nhưng không biết chắc lọc thông tin nên đã bị rủ rê, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật khi tập trung sử dụng những hung khí dao, bom xăng tư chế rất nguy hiểm, tạo dư luận xấu, gây nguy hiểm cho toàn xã hội. Đại biểu mong muốn, Chính phủ sẽ có đánh giá và giải pháp tuyên truyền, quán triệt, giáo dục phối hợp giữa gia đình và nhà trường để phòng ngừa, sớm ngăn chặn được tình trạng trên.
Xây dựng giải pháp, tháo gỡ rào cản giúp kinh tế - xã hội phát triển
Qua báo cáo đánh giá và thực tế hiện nay, bên cạnh việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì những dự án đầu tư công cũng triển khai rất chậm do những vướng mắc về cơ chế chính sách; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất; việc chuyển diện tích sử dụng rừng trong đó có đất nông, lâm trường hiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những tỉnh miền núi đã gây khó cho việc giao các dự án đầu tư. Cùng với đó là việc thị trường bất động sản trầm lắng đã tiềm ẩn những rủi ro, bất cập và những khó khăn này đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, đây là những yếu tố tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, các tỉnh nói riêng. Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, trước tình hình kinh tế khó khăn, Nhà nước đã có giải pháp giảm lãi suất cho các doanh nghiệp tuy nhiên việc này mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề, do đó cần đánh giá sâu hơn những rào cản mà hiện nay doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn. “Doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn hơn, thậm chí phá sản nếu như chúng ta không có giải pháp mạnh mẽ, cũng như hiệu ứng của nền kinh tế sẽ tiếp tục có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn”, đại biểu nhấn mạnh.
Liên quan đến việc người dân không được hưởng bảo hiểm y tế sau khi địa phương về đích nông thôn mới, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết: Qua tiếp xúc cử tri chúng tôi nhận thấy, việc người dân không được hưởng bảo hiểm y tế sẽ là khó khăn rất lớn cho các tỉnh. Bởi liên quan đến chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế thì các tỉnh cũng không đủ kinh phí nên người dân mong muốn, Chính phủ sẽ quan tâm, kéo dài thời gian để người dân được hưởng bảo hiểm y tế. Đặc biệt là người dân ở khu vực vùng CT229 và vùng ATK rất mong Quốc hội, Chính phủ sẽ quan tâm, có những cơ chế, chính sách hỗ trợ để tạo cơ chế, điều kiện tốt nhất để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Mặt khác, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị: Chính phủ, các bộ ngành đẩy nhanh công tác lập, duyệt quy hoạch ở các tỉnh. Bởi hiện nay việc lập, duyệt quy hoạch ở các tỉnh còn chậm, do vậy đây là những điểm nghẽn trong công tác thực hiện các công trình, chương trình dự án. Đặc biệt là những dự án đầu tư còn gặp nhiều khó khăn nên mong Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt hơn để làm sao cộng hưởng được các giải pháp giúp cho kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng phát triển.
“Trên cơ sở cả nước đã có được 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, dự kiến GRDP đạt 5%, tôi rất mong Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp căn cơ để tháo gỡ vướng mắc, nhất là giúp những nơi còn khó khăn được khơi thông rào càn phát triển. Từ đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm việc thực hiện được các chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra”, đại biểu Ngọc đề nghị.
Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại Tổ về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023_ dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024