Diễn đàn được tổ chức với mục đích tạo điều kiện cho hợp tác xã, nông dân trao đổi, thảo luận cùng các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp về chủ trương, chính sách trong công tác phát triển các sản phẩm nông sản theo hướng hàng hoá tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, bảo quản. Đây cũng là dịp để các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc nhằm tìm những giải pháp khắc phục trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, hướng tới cung cấp những sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2022, tăng trưởng ngành (GRDP) nông, lâm, thuỷ sản đạt 12.434 nghìn tỷ đồng, tương ứng với tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 4,52%. Nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản được đưa vào phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu như mía, măng, bưởi, cam, chuối... mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản sang thị trường quốc tế. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh duy trì ổn định ở mức 38 nghìn ha lúa, 13 nghìn ha rau đậu, trên 7 nghìn ha mía, gần 10 nghìn ha cây ăn quả có múi…Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng quy mô đàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản 2,7 nghìn ha, sản lượng thuỷ sản cả năm đạt 12 nghìn tấn.
Về sản phẩm OCOP, năm 2022 tỉnh Hòa Bình có thêm 23 sản phẩm OCOP, nâng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 123 sản phẩm, trong đó có 24 sản phẩm OCOP 4 sao và 99 sản phẩm OCOP 3 sao.
Về xuất khẩu, trong năm 2022, đã có 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, EU…
Kế hoạch phát triển giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Hoà Bình đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm tiềm năng và sản phẩm lợi thế phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu; nâng cao năng lực sơ chế, bảo quản sản phẩm, năng lực chế biến sâu, chế biến tinh nông sản chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức quảng bá, kết nối và tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, xuất khẩu để từng bước nâng cao giá trị cho các loại nông sản...
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi những vấn đề xoay quanh việc phát triển vùng nguyên liệu, chỉ ra những khó khăn trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm nông sản, đặc biệt là những loại nông sản có thế mạnh như bưởi, cam, mía.. Đồng thời kiến nghị, đề xuất Sở NN&PTNT: Các doanh nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trong các khâu giống, chăm sóc, cho đến khâu sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Đẩy mạnh phát triển xây dựng các chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX sản xuất để chuyển đổi hình thức sản xuất tiêu thụ thụ động sang sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng. Hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kho lạnh bảo quản sản phẩm, bao bì, tem truy xuất và xây dựng các mô hình, dự án về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng khu sơ chế tại vùng nguyên liệu; các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chính sách phát triển vùng nguyên liệu tại đơn vị, trong đó đưa ra các yêu cầu về chất lượng nguyên liệu, thời điểm thu mua, giá thu mua; kịp thời thu mua sản phẩm khi đến vụ thu hoạch, tuân thủ các cam kết hoặc hợp đồng đã ký với người sản xuất. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ ban đầu để giảm bớt khó khăn về tài chính cũng như tạo niềm tin cho người sản xuất...
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho biết: Để các sản phẩm nông sản của tỉnh Hoà Bình ngày càng khẳng định được chất lượng và thương hiệu, cũng như được tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người dân, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: trước hết là công tác tiếp cận thông tin về thị trường; người sản xuất phải tuân thủ đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí, mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm; thực hiện nghiêm ngặt theo yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu; ký kết chặt chẽ các hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân; cần xây dựng vùng sản xuất tập trung để có sản phẩm đủ lớn, đồng nhất, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường; tuân thủ theo đúng các yêu cầu, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, HTX và người dân để việc liên kết sản xuất được tốt hơn; đồng thời HTX và người dân phải có cam kết thực hiện theo yêu cầu của doanh nghiệp…/.