DetailController

Văn hóa

Dịch vụ “ăn theo” mùa lễ hội

24/02/2011 00:00
Lễ hội chùa Tiên, xã Phú Lão (Lạc Thuỷ) được khai hội ngày 4 tháng Giêng cho đến hết tháng 4 âm lịch. Nhưng từ ngày mồng 2 Tết, nơi đây đã đón nhiều đoàn khách từ khắp các tỉnh về vãn cảnh, lễ bái. Xung quanh khu vực chùa Tiên có đủ các loại hình dịch vụ mọc lên từ quán ăn, nhà nghỉ đến cửa hàng bán hương, vàng mã, đồ lưu niệm...
Tại chùa Tiên (Phú Lão- Lạc Thuỷ) các quầy hàng bán đồ lưu niệm luôn thu hút đông khách hàng dù giá cả có “trên trời”.

 

Chị Hà- một tiểu thương bán đồ lưu niệm tại chùa Tiên cho biết: Nhờ 4 tháng lễ hội chị cũng bán được nhiều hàng, ngày ít thì được một vài trăm nghìn. Mùa lễ hội, khách mua hàng cũng dễ chịu vì tâm lý muốn mua làm lưu niệm hay tặng bạn bè, người thân. Nắm được nhu cầu của khách, khi đi vãn cảnh, dâng lễ tại nhiều điểm khác nhau đã thấm mệt, ngoài bán các loại đặc sản quê hương như củ từ, bánh củ mài, chị Hà còn bán thêm mía. Chị cho biết: Mía bán đắt hàng mà lại được giá (8.000 đồng/cây), mỗi ngày chị có thể bán được hàng trăm cây. Nếu chỉ nhìn qua cũng có thể thấy được những cây mía được xếp vào loại 2, loại 3 nhưng du khách vẫn ưa thích.
 
Còn đến với lễ hội đền Bờ, xã Vầy Nưa (Đà Bắc), du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực quê hương với món cá nướng độc đáo. Chỉ từ vài chục nghìn đồng du khách đã mua được một xiên cá nướng lòng hồ. Hầu hết đoàn khách nào đến với đền Bờ, thác Bờ cũng mua ít nhất một xiên cá về làm quà. Gia đình anh Hoàng đã bán cá nướng tại đây từ nhiều năm, theo lời anh kể, ít khi thất thu trong mùa lễ hội. Mỗi ngày, gia đình anh cũng thu nhập vài trăm nghìn đồng từ bán cá, nếu gặp được khách “sộp” mua cá trắm, cá măng  được thêm 100 - 200.000 đồng. Bên cạnh đó, các cửa hàng bán hương, vàng mã cũng luôn đông khách. 
 
Tuy nhiên, giá cả nơi đây thì không hề “dễ chịu”. Du khách đi chùa, đền nhiều khi cảm thấy bực mình vì những lời chèo kéo mua hàng, đổi tiền lẻ, xem bói, viết sớ thuê... Đầu tiên phải kể đến những “bát nháo” trong bán hàng và đổi tiền lẻ. Tay thoăn thoát đếm tiền lẻ chia thành từng tập chị Mai (TP Hoà Bình) cho biết: “Tiền này là tiền “quay vòng”, mình đổi cho người ta vào làm lễ, đến chiều thu tiền về, mai lại đổi tiếp chứ lấy đâu ra nhiều tiền lẻ đến thế! Quy định đổi tiền ở đây là “10 ăn 8” tức là đổi 10.000 đồng tiền chẵn sẽ được nhận lại 8.000 đồng tiền lẻ mệnh giá tuỳ theo yêu cầu của khách. Lãi đơn lãi kép em ạ!”. Năm nào, chị Vân (Hà Nội) cũng đi hội chùa Tiên, nhà cách chùa gần 100 km nên chị không thể mang đủ mọi thứ cho việc dâng lễ. Vẫn biết đến đó mua cái gì cũng đắt hơn giá thị trường ít nhất là 2 lần nhưng vẫn phải mua vì không thể đem theo cả đồ ăn, thức uống được. Khác với chị Vân, chị Hường quê ở gần đó nên có thể chuẩn bị đầy đủ hơn. Nhưng khi soạn lễ, chị sơ suất không mua hương tại nhà. Chạy ra cửa hàng ngay bên cạnh mua 10 nén nhưng khi trả tiền thì chị giật mình khi chủ cửa hàng đòi 35.000 đồng trong khi đó thường ngày chị mua chỉ với 1.000 đồng/nén mà hương còn thơm và đẹp hơn.  
 
Ở đây, ngoài những đặc sản vùng miền được bày bán cũng gặp không ít những hàng “nhái” đặc sản của các vùng miền như bánh cáy Thái Bình, bánh nhãn Hải Hậu – Nam Định, bánh đậu xanh Hải Dương… hay những trò chơi quay số trúng thưởng, ném lao trúng thưởng, tôm – cua – cá đã xuất hiện. Đền, chùa vốn là chốn thâm nghiêm, đến nay lại là nơi hiện hữu sự “bát nháo” đáng buồn!
 
Từ lâu đi lễ chùa vốn là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam nói riêng, người phương Đông nói chung nhưng nhiều người lại không ý thức được điều đó.Họ đã vô tình biến cổng chùa, đền trở thành cái chợ với không khí bát nháo, lộn xộn cùng hàng loạt “dịch vụ ăn theo” cản lốilàm mất đi vẻ tôn nghiêm nơi thờ tự. Thiết nghĩ, để giải quyết vấn nạn này, các cơ quan chức năng nơi có lễ hội cần tăng cường kiểm tra, khi phát hiện có sai phạm phải xử lý thật nghiêm minh mới mong xóa bỏ triệt để.