DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình): Làm rõ các hình thức đầu tư trong xây dựng công trình đường bộ

10/11/2023 16:57
Sáng 10/11, thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Đường bộ, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để sửa đổi phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; làm rõ các hình thức đầu tư trong quy định về đầu tư xây dựng công trình đường bộ để bảo đảm cơ sở pháp lý khi triển khai tổ chức thực hiện;…
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội , đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tham gia phát biểu thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Đường bộ

Tại phiên làm việc buổi sáng, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng được nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường bộ; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thảo luận tại Tổ 15, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà, ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng nên sớm ban hành nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để bảo đảm quyền lợi của đất nước.

Góp ý về dự án Luật Đường bộ, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung về cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn giữa các điều khoản và điều luật, giữa những nội dung liên quan đến các Luật khác nhau, như: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP),…Vì vậy, đề nghị tiếp tục rà soát quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cụ thể tại Điều 32 quy định về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong dự thảo Luật đã phân định rõ các loại đường, cấp đường, kỹ thuật đường, đường cao tốc, đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và các loại khác nhau. Tại khoản 1 Điều 32 có quy định đầu tư xây dựng công trình đường bộ được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các hình thức đầu tư khác. Tuy nhiên, chưa rõ các hình thức đầu tư khác được quy định theo luật nào, có bao gồm pháp luật về đầu tư không. Bởi vì, trong hệ thống đường bộ quy định tại Điều 10 và Điều 11 bao gồm cả đường chuyên dùng, đường nội bộ bên trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công trường xây dựng… Vấn đề này cần được làm rõ để bảo đảm cơ sở pháp lý khi triển khai tổ chức thực hiện.

Tại Điều 42 về chi phí quản lý vận hành khai thác sử dụng bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (gồm các quy định tại Điều 40, 41) cần phải làm rõ thêm chi phí vận hành cụ thể gồm chi phí và thực hiện theo nguồn tính toán trong nội dung nào. Liên quan đến khoản 3 của Điều 42 có quy định “đối với dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ, hạng mục công trình đường bộ đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao thì chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình cho đến khi bàn giao cho tổ chức, cá nhân quản lý. Chi phí quản lý, bảo trì các tuyến đường này được tính trong tổng mức đầu tư của dự án”, đại biểu cho rằng điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện, do vậy cần xem lại các nội dung quy định tại Đđiều 42.

Liên quan đến Điều 45 về nguồn tài chính thực hiện đã có sự đổi mới, có quy định nội dung cụ thể nhưng tính khả thi khi triển khai thực hiện như thế nào. Tại khoản 2 có nêu rằng “nguồn thu được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng quản lý, vận hành khai thác bảo trì đường bộ bao gồm các nguồn sau là phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phí sử dụng đường cao tốc thu qua phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư sở hữu quản lý khai thác; các nguồn thu khác liên quan đến sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định”. Đây là nội dung không cần thiết, vì trên thực tế tất cả các khoản thu đều nộp vào ngân sách Nhà nước. Do đó, nội dung này nên  thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước chứ không nên quy định cụ thể như trên.

Mặt khác, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để sửa đổi phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ và kiểm soát kỹ thuật, tải trọng phương tiện, xây dựng và bảo trì công trình đường bộ. Đối với những nội dung giao Chính phủ hoặc các bộ quy định thì cần xác định nguyên tắc trong Luật để làm căn cứ quy định và thực hiện giám sát sau khi Luật được ban hành;…