DetailController

Giáo dục

Dạy nghề cho trẻ em khuyết tật

05/08/2010 00:00

Tích cực vận động, giúp đỡ những trường hợp khó khăn đặc biệt là trẻ em bị khuyết tật, dạy nghề miễn phí cho các em... Đó là những công việc mà bà Bùi Thị Minh Thức ở xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn đã làm từ nhiều năm nay.

Hình minh họa

 

Với cương vị làm giám đốc nhưng tấm lòng bà rất rộng lượng đã cùng với các nhân viên thức khuya, dậy sớm để động viên, chăm sóc trẻ mồ côi từ những bữa ăn, giấc ngủ và thức đêm chăm sóc những đứa trẻ khi đau ốm, bà còn quan tâm lo lắng, chăm sóc người già cô đơn lúc ốm đau, bệnh tật, chăm lo từng bữa cơm, manh áo, giấc ngủ cho những mảnh đời không may mắn gặp bất hạnh .
         
          Được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam hỗ trợ kinh phí dạy nghề cho trẻ em khuyết tật, bà thấy rất vinh dự được thực hiện ý nguyện của mình, đến tháng 5/2007, trung tâm Bảo trợ xã hội nhân đạo Minh Đức đã chính thức được thành lập tại gia đình để đón nhận những mảnh đời không may mắn có nơi nương tựa kiếm sống. Với khuôn viên 600m2, bà đầu tư 40 triệu đồng mua sắm các thiết bị dạy nghề và hơn 20 triệu đồng để dựng xưởng, làm công trình vệ sinh tự hoại được thiết kế phù hợp với người khuýết tật, dành ra một khoảng để xây dựng nhà xưởng tận dụng hết diện tích nhà, bếp để lấy chỗ ăn, ngủ và sinh hoạt cho các cháu.
 
          Trung tâm được Trung Ương Hội và Tỉnh hội hỗ trợ 70% kinh phí dạy nghề, số kinh phí tạo điều kiện thêm cho các cháu do bà Thức tự bỏ ra và nhờ vào lòng hảo tâm của người thân, bạn bè hỗ trợ. Khuôn viên của trung tâm chật hẹp không đủ chỗ cho các cháu làm việc tại cơ sở, khi học hết thời gian 5 tháng thành nghề đã có nhiều cháu tự nhận nguyên liệu về thêu tại gia đình, những cháu có tay nghề vững, nhiệt tình tâm huyết với nghề bà đã nhận 20 cháu ở lại Trung tâm làm việc lâu dài về nghề thêu tranh.
 
          Từ năm 2008 đến nay Trung tâm Bảo trợ xã hội nhân đạo Minh Đức đã mở lớp dạy nghề cho 156 trẻ em khuyết tật, sau 5 tháng học nghề thêu tranh, hầu hết các cháu đã làm ra sản phẩm tiêu thụ ra thị trường và có mức thu nhập bình quân từ 600.000 đồng- 800.000 đồng/người/tháng, một số sản phẩm đã được tham dự hội chợ Thương mại của tỉnh. Hiện nay bà Thức  đang  dạy nghề thêu cho 50 cháu khuyết tật, lớp học vẫn đang tiếp nhận các cháu có nhu cầu vào học, các gia đình có con em khuyết tật là trẻ em nữ có nhu cầu vào học thì liên hệ với bà thức theo số máy di động của bà Thức: 0983633108, để được vào học nghề thêu tranh.
 
          Cháu Bùi thị Sen ở xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) tâm sự : Niềm vui lớn nhất của cháu từ mái ấm này đã có thêm nhiều bạn bè ở các xã, các huyện trong và ngoài tỉnh, được tiếp xúc với môi trường xã hội, được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về công việc cuộc sống đời thường rất bổ ích cho bản thân. Mặc dù cháu bị teo 2 chân và không biết chữ, nhưng từ mái nhà này đã dạy cho cháu làm ra những sản phẩm có giá trị lên tới hội chợ với giá hơn 1 triệu đồng . Từ công sức và mồ hôi, các cháu thấy mình có nghề nghiệp ổn định để nuôi sống bản thân, đỡ đi phần nào gánh nặng cho gia đình và xã hội, đưa các cháu tiếp xúc với môi trường xã hội, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống để tiếp thêm nghị lực cho các cháu vượt qua khó khăn trong cuộc sống đời thường.
          Tuy nhiên hoạt động của Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn trong việc tuyển các cháu vào học nghề đúng đối tượng. Bởi người khuyết tật thường hay mặc cảm với cuộc sống, lại ít tiếp xúc với mọi người trong xã hội. Vì thế mà bà đã phải lăn lội đến tận gia đình các cháu để động viên, an ủi các cháu yên tâm đến với Trung tâm học nghề như: Cháu Nguyễn Thị Thiệp, xã Tân Thành (Kim Bôi) cho biết: Cháu là người không may mắn, nhưng từ khi đến học nghề ở Trung tâm, cháu đã có việc làm và có thêm nhiều bạn bè, bởi vậy trong cháu luôn coi Trung tâm là nhà của mình.
          Thực tế trong cuộc sống dạy nghề cho người lành lặn đã thấy khó, còn đối với người khuyết tật lại càng khó khăn hơn nhiều, để giúp các cháu tự tin, mạnh dạn vươn lên trong cuộc sống, bà  Bùi Thị Minh Thức đã cố gắng trong việc rèn luyện dạy giỗ các cháu  tự tin vào cuộc sống, mạnh dạn, năng động, sáng tạo trong công việc để vượt qua mọi khó khăn học nghề để có thu nhập, nuôi chính bản thân mình. Bà Thức thật xứng đáng là người bà, người mẹ mẫu mực đáng khâm phục và kính trọng.