DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

17/04/2023 17:30
Trong bối cảnh dịch Covid -19 có dấu hiệu gia tăng mạnh trở lại, nhất là trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể, trong 7 ngày vừa qua (từ 5/4 đến 11/4), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó, trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới). Các dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm... cũng có nguy cơ gia tăng số mắc, dẫn đến gây nguy cơ dịch chồng dịch.

Ngày 12/4/2023, Bộ Y tế đã có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần phòng, chống dịch Covid-19, kiềm chế và kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó, dập dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, ngày 14/4/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1124-CV/BTGTU về việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị:

Thường trực các huyện uỷ, thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống dịch Covid -19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023 của Bộ Y tế. Chỉ đạo công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chú trọng đến hình thức tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn và tuyên truyền lưu động. Công tác tuyên truyền cần rộng khắp, kịp thời, chính xác, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm và tình hình cụ thể, bám sát diễn biến tình hình dịch Covid-19 và sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp, trong đó cần tập trung vào các nội dung, như: Tuyên truyền về sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, trách nhiệm của Chính phủ; của tỉnh; việc triển khai các biện pháp khẩn cấp, hiệu quả của các cơ quan chức năng các cấp trong ứng phó với tình hình mới của dịch Covid-19 thời gian qua để tạo sự tin tưởng, yên tâm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về khả năng khống chế dịch Covid-19 của Việt Nam. Tuyên truyền, làm rõ về tác dụng, hiệu quả, lợi ích của vắc xin trong phòng chống dịch bệnh; khuyến khích, vận động của người dân tích cực tham gia tiêm vắc xin để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân và các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch. Tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vắc xin đến từng địa bàn dân cư. Công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn (địa chỉ, người phụ trách, thông tin liên hệ) thông tin đến người dân để người dân biết và đi tiêm chủng kịp thời. Biểu dương gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Thông tin & Truyền thông: Tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tổ chức nhắn tin tuyên truyền với tần suất và thời lượng phù hợp; nội dung tin nhắn do Sở Y tế đề xuất trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Y tế; chỉ đạo quản lý, giám sát chặt chẽ thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở về phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình dịch bệnh gia tăng. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn… Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan theo dõi, quản lý mạng xã hội để kịp thời định hướng truyền thông; xử lý nghiêm những tài khoản mạng xã hội thông tin sai lệch, không chính xác về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế: Chỉ đạo tiếp tục chiến lược truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch Covid-19 có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông trong chỉ đạo, định hướng và quản lý thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh, sinh viên về nguy cơ và cách phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình dịch bệnh gia tăng; chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về tiêm vắc xin cho học sinh và phụ huynh, nhất là đối tượng thuộc độ tuổi tiêm chủng.

Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông theo chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; chú trọng tăng cường thời lượng, nâng cao chất lượng thông tin hướng dẫn điều trị người bị nhiễm Covid-19 và các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm tính khoa học, chính xác, dễ hiểu, dễ nhớ. Tổ chức các chuyên mục về tình hình dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin vào khung giờ phù hợp để người dân được tiếp cận thông tin về lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vắc xin. Tăng cường kiểm duyệt chặt chẽ các tin, bài có tính bình luận, dự đoán về những diễn biến của dịch bệnh; tuyệt đối không đưa những tin, bài thiếu căn cứ, suy diễn, gây tâm lý hoang mang trong Nhân dân./.