Nhờ đó, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức của các cán bộ công chức, viên chức và người lao động; kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của các cơ quan hành chính theo hướng nâng cao tính minh bạch và công khai của nền hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đặc biệt, là trong những lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước;
Các Sở, ngành, địa phương đã thực hiện công khai, minh bạch hoạt động về tài chính, tài sản của cơ quan, đơn vị, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉnh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại nơi làm việc các quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết đối với công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện;
Thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, ngay từ khi phê duyệt giao dự toán đầu năm Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện: Tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài các khoản chi lương và có tính chất lương để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định; tiết kiệm 10% chi quản lý hành chính để dành tăng chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ cần thiết khác. 100% cơ quan, đơn vị xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ dựa trên cơ sở định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy định của pháp luật; công tác mua sắm thiết bị được thực hiện theo đúng trình tự và qui định, các thủ tục đầu tư đảm bảo công khai minh bạch, không xẩy ra thất thoát và lãng phí đầu tư. Tăng cường công tác giám sát, cử người giám sát có chuyên môn và đạo đức tốt; giao trách nhiệm cho đơn vị cử cán bộ giám sát, kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu, vật tư thiết bị đưa vào công trình, quản lý sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu Quốc gia đúng kế hoạch, đúng mục đích đảm bảo đúng tiến trình không có thất thoát.
Tiết kiệm dự toán chi thường xuyên theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ (tiết kiệm 10%) là 126.500 triệu đồng, địa phương giao 180.905 triệu đồng (trong đó cấp tỉnh là 91.735 triệu đồng, cấp huyện là 89.170 triệu đồng). Tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện chi đầu tư các công trình quan trọng của tỉnh (đầu tư phát triển khác): là 251.845 triệu đồng. Trong năm các cơ quan, đơn vị đã triệt để tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là 21.739 triệu đồng. Việc phân bổ và giao dự toán các Chương trình MTQG khớp đúng với tổng mức, chi tiết theo ngành, lĩnh vực được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 về giao dự toán NSNN năm 2023. Việc mua sắm, trang bị, quản lý sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc tuân thủ các quy định của pháp luật về tài sản công, pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan đối với thẩm quyền, quy trình, thủ tục, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức. Ngoài ra, tỉnh cũng THTK, CLP trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Các đơn vị, địa phương đã tổ chức tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân; quy định chính sách khuyến khích toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân ý thức về nghĩa vụ của công dân trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có tiết kiệm điện, tài nguyên thiên nhiên… đã tạo những bước chuyển biến tích cực góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về THTK, CLP được thực hiện thông qua hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20/11/2018 và các văn bản có liên quan. Tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách năm 2024 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN và tài sản công, siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Thực hiện tốt Chương trình tổng thể của tỉnh Hòa Bình về THTK,CLP năm 2024 theo Quyết định số 183/QĐ-UBND ngày 31/01/2024 của UBND tỉnh. Thực hiện nghiêm túc công tác công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trên các lĩnh vực: Tài chính-ngân sách; mua sắm tài sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý, sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản; sử dụng các khoản huy động và đóng góp của nhân dân; quy trình giải quyết thủ tục công việc của từng cơ quan, đơn vị gắn với cải cách thủ tục hành chính; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển vị trí công tác cán bộ, xây dựng thể chế pháp luật. Xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo đúng quy định; chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức; thực hiện nghiêm túc văn hóa công sở. Tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Tiếp tục tăng cường ý thức trách nhiệm, nâng cao nhận thức, ý thức về THTK, CLP của cán bộ, công chức trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, trong cuộc sống hàng ngày và trong hoạt động của đơn vị để đạt hiệu quả; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và tổ chức đảng, các tổ chức đoàn thể, quần chúng trong từng cơ quan, đơn vị để thường xuyên thực hiện tuyên truyền, quán triệt Luật THTK, CLP, các Chương trình hành động về THTK, CLP của cấp trên và của đơn vị đến tất cả các cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị.Thực hiện giao tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính; tiếp tục đôn đốc các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự đảm bảo một phần hoặc đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên; mỗi loại hình phải có thêm ít nhất 01 đơn vị được chuyển đổi./.