
Thực hiện Nghị quyết, chỉ tiêu lấp đầy các khu công nghiệp tới nay đã đạt: KCN Lương Sơn (đạt 100% so với chỉ tiêu Nghị quyết); KCN Bờ trái sông Đà (đạt 100% so với chỉ tiêu Nghị quyết); KCN Bình Phú (Mông Hóa cũ) (đạt 68% so với chỉ tiêu Nghị quyết); các KCN: Yên Quang, Lạc Thịnh (đạt 0% so với chỉ tiêu Nghị quyết). Có 02 KCN được đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật (đạt 40% chỉ tiêu NQ); có 01 KCN (KCN bờ trái sông Đà) có khu nhà ở cho công nhân trong KCN (đạt 41,67% so với chỉ tiêu Nghị quyết); có 05 KCN có chủ đầu tư hạ tầng(Lương Sơn, Bờ trái sông Đà, Yên Quang, Nhuận Trạch, Bình Phú) có chủ đầu tư hạ tầng (đạt 62,5% so với chỉ tiêu Nghị quyết); Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp năm 2023 đạt 19.289 tỷ đồng (đạt 137,78% so với chỉ tiêu Nghị quyết). Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã hoàn thành công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch tại các KCN đạt 537,17 ha (đạt 179,06% so với chỉ tiêu Nghị quyết).
Từ năm 2014 đến nay thành lập 15 cụm công nghiệp, gồm: Chăm Mát - Dân Chủ, Yên Mông, Tiên Tiến, Thịnh Minh 1 thành phố Hòa Bình; Đồng Tâm, Phú Thành II, Thanh Nông, Môi trường công nghệ cao Hòa Bình huyện Lạc Thủy; Xóm Rụt, Hòa Sơn huyện Lương Sơn; Phong Phú, Đông Lai - Thanh Hối huyện Tân Lạc; Đà Bắc huyện Đà Bắc; Tây Phong huyện Cao Phong; Chiềng Châu huyện Mai Châu. Hiện đã có 03 cụm công nghiệp đã đầu tư cơ bản đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (cụm công nghiệp Chiềng Châu; cụm công nghiệp Phú Thành II; cụm công nghiệp Tiên Tiến), đạt 50% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Chỉ tiêu tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt như sau: Cụm công nghiệp Chiềng Châu (đạt 100% so với chỉ tiêu Nghị quyết); cụm công nghiệp Phú Thành II (đạt 86,85% so với chỉ tiêu Nghị quyết); Cụm công nghiệp Đồng Tâm (đạt 50,55% so với chỉ tiêu Nghị quyết); Cụm công nghiệp Đông Lai - Thanh Hối (đạt 48,45 % so với chỉ tiêu Nghị quyết); cụm công nghiệp Xóm Rụt (đạt 17,35 % so với chỉ tiêu Nghị quyết); cụm công nghiệp Thanh Nông (vượt 161,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết); cụm công nghiệp Tiên Tiến (vượt 122,7% so với chỉ tiêu Nghị quyết); 07 cụm công nghiệp còn lại đạt tỷ lệ 0%.
Từ năm 2024 đến nay, tỉnh đã tập trung thu hút, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, cơ bản đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật 02 khu công nghiệp (Lương Sơn, Bờ trái sông Đà); 05 khu công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng (Lương Sơn, Bờ trái sông Đà, Yên Quang, Nhuận Trạch và Bình Phú); 03 khu công nghiệp (Lương Sơn, Bờ trái sông Đà, Yên Quang) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 01 khu công nghiệp (Bờ trái sông Đà) có khu nhà ở công nhân, lao động; triển khai đầu tư một số công trình thiết yếu (đường vào, đường trục chính,...) tại khu công nghiệp Bình Phú, Yên Quang; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch với tổng diện tích 537,17ha (tại các KCN: Bờ trái sông Đà, Lạc Thịnh, Yên Quang, Bình Phú, Nhuận Trạch) và đang triển khai quy trình, thủ tục tiếp tục giải phóng mặt bằng khoảng 48ha KCN Nhuận Trạch; 67ha KCN Bình Phú và 30ha KCN Yên Quang. Ưu tiên triển khai đầu tư, hoàn thiện một số công trình thiết yếu 04 khu công nghiệp: Bờ trái sông Đà, Bình Phú, Nhuận Trạch, Yên Quang. Trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, tổng vốn đầu tư phát triển các khu công nghiệp đạt: 390,28 tỷ đồng. Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, tổng vốn đầu tư đã thực hiện (bao gồm lũy kế từ trước và sau khi thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU đến tháng 4/2024) là: 2.206,809 tỷ đồng, tăng 1.816,529 tỷ đồng, tăng 565,4%.
Đối với cụm công nghiệp, trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, đã triển khai đầu tư một số công trình thiết yếu với tổng vốn thực hiện là: 32,05 tỷ đồng. Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, ưu tiên tập trung triển khai đầu tư, hoàn thiện một số công trình thiết yếu một số cụm công nghiệp tại thành phố Hòa Bình, huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn. Tổng vốn đầu tư thực hiện (bao gồm lũy kế từ trước và sau khi thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU đến nay) là: 740,439 tỷ đồng. Đã triển khai được các hạng mục hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và vốn ngân sách tỉnh tập trung vào các hạng mục như quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hạ tầng giao thông, khu xử lý nước thải tập trung,...
Lũy kế đến hết tháng 4/2024, tổng số dự án đầu tư vào các KCN của tỉnh là 110 dự án, trong đó 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 379,33 triệu USD (giảm 140 triệu USD so với năm 2022 do chấm dứt dự án Meiko 200 triệu USD, cấp mới 01 dự án 60 triệu USD) và 85 dự án đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký 15.952,69 tỷ đồng. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN năm 2023: Doanh thu đạt 23.978 tỷ đồng, tăng 9,64% so với năm 2022; Giá trị xuất khẩu 840,84 triệu USD, tăng 10,08% so với năm 2022; nộp ngân sách nhà nước đạt 222,31 tỷ đồng; Giải quyết việc làm mới cho 1.760 lao động; chiếm 10,25% số việc làm mới toàn tỉnh (17.162 người). Năm 2023 giá trị sản xuất công nghiệp trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động.
Nhìn chung, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU về đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020 đã đạt được kết quả nhất định. Kết quả phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp nói chung, phát triển các khu, cụm nói riêng chưa thực sự là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; chưa khai thác được nhiều diện tích đất cho lĩnh vực phát triển công nghiệp; quy hoạch các cụm công nghiệp có vị trí chưa phù hợp, còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung nên thường xuyên phải rà soát, điều chỉnh; công tác quy hoạch, triển khai dự án tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Công tác thu hút đầu tư chưa thực sự tạo ra sự chuyển biến, số dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đạt kết quả thấp (khu công nghiệp trung bình thu hút khoảng 14 dự án/năm, cụm công nghiệp 3 dự án/năm),vốn đăng ký đầu tư nhỏ, sức cạnh tranh yếu. Nguồn lực đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển….
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025 đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp của tỉnh: "Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và thực hiện các mục tiêu xã hội, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chú trọng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường...; nâng tỷ lệ lấp đầy diện tích các khu công nghiệp trên 80%. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh". Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh và những năm tiếp theo, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của việc phát triển khu, cụm công nghiệp, yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Phát triển các khu, cụm công nghiệp là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phát triển khu, cụm công nghiệp đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển các khu, cụm công nghiệp tỉnh Hòa Bình về công tác quy hoạch; hoàn thiện, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trở thành chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp mà chưa có chủ đầu tư; Đôn đốc yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp khẩn trương đầu tư và xây dựng hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường đảm bảo theo quy định trước khi thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào khu, cụm công nghiệp; giải pháp về huy động vốn đầu tư; thay đổi phương pháp xúc tiến, thu hút đầu tư; tăng cường, đẩy mạnh công tác hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải tiến, đổi mới khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với công tác xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp,...Tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp của tỉnh; phát huy vai trò của Ban chỉ đạo trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, quy định, chỉ đạo, điều hành nhằm thúc đẩy công tác đầu tư phát triển hạ tầng trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục đầu tư, pháp lý, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng,...trong quá trình triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và các nhà đầu tư thứ phát trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh./.