DetailController

Kinh tế

Đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế nông nghiệp

13/07/2023 15:44
Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nông nghiệp được xác định là trụ đỡ. Chính vì thế, những năm qua tỉnh luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành nông nghiệp. Hệ thống thủy lợi, đê điều, điện, giao thông được đầu tư đáng kể, góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, tập trung, quy mô lớn, từ đó kéo theo sự thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Hệ thống thủy lợi ngày càng hiện đại, giúp chủ động trong tưới tiêu sản xuất

Tỉnh đã chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... để đầu tư xây dựng hệ thống hồ đập, kiên cố hóa giao thông, kênh mương nội đồng.

Tới nay, tỉnh Hòa Bình đã có 1.915 công trình (tăng so với năm 2022 là 06 công trình) và hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng kiên cố và bán kiên cố bằng mọi nguồn vốn đang hoạt động phục vụ sản xuất, bao gồm: Tưới bằng trọng lực 1.816 công trình phục vụ tưới cho khoảng 37.116 ha lúa và 8.850 ha màu, 1.103 ha cây công nghiệp và cây ăn quả, 3.345 ha cây vụ đông; Tưới bằng động lực 78 công trình, phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 1.676 ha lúa, 1035 ha màu, 933 ha cây công nghiệp và cây ăn quả, 358 ha cây vụ đông; Tưới kết hợp trọng lực và động lực: 21 trạm thủy luân phục vụ tưới cho khoảng 898 ha lúa,70 ha màu và 93 ha cây vụ đông.

Tính đến 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có tổng số 3.723,3 km kênh mương tưới các loại, đã kiên cố hoá được 2.125,5 km, tương ứng với 57,1%, đạt theo kế hoạch đề ra (từ 55 - 60%).

Trên toàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập (49 hồ lớn, 151 hồ đập loại vừa, 274 hồ đập loại nhỏ) và 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP. Qua kiểm tra, báo cáo của các huyện, thành phố, Công ty Khai thác công trình thủy lợi, phần lớn các công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn các huyện được đánh giá đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2023. Tuy vậy hiện tại vẫn còn một số công trình bị hư hỏng cần được tiếp tục sửa chữa nâng cấp để đảm bảo an toàn

Hạ tầng đê điều từng bước được cải thiện.  Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 48,927 km đê, trong đó bao gồm 6,818 km tăng thêm so với giai đoạn trước là tuyến đê ngăn lũ sông Bôi kết hợp đường giao thông chạy lũ (đoạn cầu Chi Nê, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đến xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đã hoàn thành thi công đang hoàn thiện các thủ tục để nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng; các tuyến đê còn lại thuộc các huyện Lương Sơn, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình gồm có 03 truyến đê cấp III dài 9,2km do Trung ương quản lý là đê Đà Giang, đê Quỳnh Lâm, đê Ngòi Dong; 02 tuyến đê cấp IV dài 23,730 km và 03 tuyến đê cấp V dài 9,18 km do địa phương trực tiếp quản lý. Hệ thống đê điều liên tục được xây mới, nâng cấp và mở rộng trong những năm gần đây và ngày càng kiên cố.

Hạ tầng phòng chống thiên tai được nâng cấp. Các tuyến kè chống sạt lở bờ sông suối đảm bảo an toàn cho đê điều, người dân và các diện tích lúa, hoa màu của người dân cũng được quan tâm sửa chữa nâng cấp, trong đó có các dự án như kè bảo vệ 2 bờ sông đà hạ lưu đập Hòa Bình; kè sạt lở và chỉnh trị sông Bôi, sông Bùi. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí xây dựng 45 công trình Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ suối với chiều dài trên 58km kè (trong đó, có 24 công trình đã hoàn thành và 21 công trình đang xây dựng, đã có kế hoạch thực hiện) với tổng kinh phí 4.044.300 triệu đồng gồm ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Hệ thống cảnh báo phòng chống thiên tai bước đầu được đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm báo cáo toàn tỉnh có 31 trạm đo mưa tự động được đặt tại những khu vực trọng điểm tại 10 huyện, thành phố đươc tích hợp trên hệ thống thông tin quốc gia tại trang điện tử Vinarain.vn, thông tin mưa được cung cấp liên tục hàng giờ, mọi đối tượng có thể khai thác mọi lúc, mọi nơi nhằm mục đích hỗ trợ trong theo dõi, cảnh báo, chỉ đạo trong công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh…..

Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp đã từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, gắn với tín hiệu thị trường, tiên tiến hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững. Quy mô sản xuất của các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hoá và xuất khẩu ngày càng mở rộng, đã bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Nhiều vùng sản xuất hiệu quả kinh tế thấp đã được chuyển đổi sang sản xuất các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản) từng bước phát triển theo hướng thâm canh, chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh tế trang trại, nông hộ ngày càng phát triển… đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản, tăng hiệu quả sản xuất và năng suất lao động nông nghiệp, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu dài hạn của ngành Nông nghiệp, từ nay tới cuối năm, ngành tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu năm 2023: Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản cả năm ước đạt 4,5%. Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh dự báo đến cuối năm đạt kế hoạch đề ra là 95,7%. Có thêm 6 xã về đích nông thôn mới, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 61,2%, trung bình số tiêu chí nông thôn mới trên 01 xã đạt 16,2 tiêu chí. Tỷ lệ độ che phủ rừng cả năm duy trì ổn định 51,5%./.