DetailController

Thời sự trong ngày

Dấu ấn xuất khẩu nông, lâm sản của tỉnh trước diễn biến phức tạp dịch Covid-19

17/01/2022 00:00
Mặc dù chịu tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 làm đứt gãy, giãn đoạn chuỗi logicstics nhưng xuất khẩu nông, lâm sản năm 2021 của tỉnh có nhiều kết quả ấn tượng.

Trong năm 2021, đã có 513 tấn chuối xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc; xuất khẩu gián tiếp qua doanh nghiệp thứ 3 ngoài tỉnh. 300 tấn măng đã qua chế biến sang 18 quốc gia châu Âu, Mỹ, Trung đông (Hà Lan, Đức, Anh, Mỹ, Mexico, Achentina, Ả rập Saudi vv), Công ty Cổ phần Kim Bôi xuất khẩu trực tiếp. 480 tấn rau củ quả sang thị trường Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU (chủ yếu Hà Lan, Đức, Séc); chủ yếu xuất khẩu trực tiếp do Công ty Pacific; Công ty Hagimex. 300 tấn thức ăn chăn nuôi (ngô sinh khối) sang Nhật Bản; Công ty Green Farm xuất khẩu trực tiếp từ nhà máy tại Lạc Thủy. Lần đầu mở cửa thị trường và xuất khẩu 10 tấn mía trắng sang thị trường Đức. Xuất khẩu 180 tấn thủy sản sang EU; xuất khẩu qua Công ty Mavin (Hà Nội). Giá trị lâm sản xuất khẩu 949,5 tỷ; chủ yếu xuất khẩu trực tiếp do Công ty Sơn Thủy, Công ty Tre Ép Mai Châu.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tham gia triển lãm Tết Việt năm 2022 tại Fukuoka (Nhật Bản) với 24 mặt hàng nông sản và sản phẩm OCOP của tỉnh. Đây là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm, mở ra cơ hội xuất khẩu lớn hơn nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường Nhật Bản, đặc biệt là vùng Kyusu (8 tỉnh Tây Nam) của Nhật Bản.

Thời gian tới, tỉnh phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh trên cơ sở áp dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tận dụng, khai thác hiệu quả những cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt từ những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, ký kết và có hiệu lực như CPTPP, EVFTA. Phấn đấu, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 18%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt bình quân 20%/năm. Kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 55 triệu USD; đến năm 2030 đạt 137 triệu USD. Đến năm 2025, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực chiếm khoảng 3,17% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh; đến năm 2030 chiếm khoảng 3,92%. Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực giai đoạn đến năm 2030 là những thị trường truyền thống của nước ta như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Cơ cấu thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn đến năm 2030: Thị trường châu Âu chiếm khoảng 25% (chủ yếu là mặt hàng thủy sản); thị trường Mỹ chiếm khoảng 20% (chủ yếu là mặt hàng thủy sản, sản phẩm cam chế biến); thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 15% (chủ yếu là mặt hàng thủy sản, cam tươi, chế biến); thị trường Nhật Bản chiếm khoảng 10% (chủ yếu là mặt hàng thủy sản, sản phẩm cam chế biến); thị trường Hàn Quốc chiếm khoảng 10% (chủ yếu là mặt hàng thủy sản, sản phẩm cam chế biến); các thị trường khác chiếm khoảng 15%.

Tỉnh đề ra các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, phát triển kinh tế trang trại, sản xuất hàng hoá tập trung, đào tạo lao động… Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Ưu tiên đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài để tranh thủ tiếp cận công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, điều hành tiên tiến, mở lối thâm nhập vào thị trường thế giới, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những nấc thang giá trị cao. Áp dụng các phương pháp tiên tiến, thâm canh tăng năng suất; xây dựng, phổ biến, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao./.