“Lớp năng khiếu dân tộc gọi nôm na là thế, chứ thực ra theo Quyết định tổ chức lớp của UBND tỉnh thì tên đầy đủ là Lớp tạo nguồn cán bộ dân tộc của tỉnh. Với ý nghĩa đó nên lớp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND và của ngành giáo dục đào tạo nói chung và nhà trường nói riêng”, thầy giáo Quách Thắng Cảnh nguyên là chủ nhiệm lớp, hiện nay đang là Hiệu phó trường Phổ thông DTNT tỉnh cho biết. Cũng do đặc thù ấy mà Sở Giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo tổ chức thi tuyển học sinh ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Theo đó, mỗi huyện, thị xã sẽ tuyển chọn 4 em học sinh lớp 9 là con em dân tộc có học lực tốt để tham gia lớp tạo nguồn cán bộ dân tộc của tỉnh khóa đầu tiên. Thầy giáo Quách Thắng Cảnh nhớ lại: Theo chỉ tiêu thì có hơn 40 em học sinh nhưng đến khi nhập học chỉ có 33 em. Trong quá trình học, vì nhiều lý do nên đến giữa năm đầu chỉ còn lại 27 em. Có một điều đặc biệt là các em được học với nhau liên tục ở lớp năng khiếu dân tộc từ năm lớp 9 đến năm lớp 12, không phải chia tách sau kỳ thi vào lớp 10 như các hệ chuyên khác. Có lẽ chính điều đó đã trở thành chất keo kết dính tình bạn, tình thầy trò và hơn thế nữa, nó còn làm cho mỗi học sinh ở thế hệ ấy vẫn luôn coi trường, lớp là ngôi nhà chung đầm ấm. Cho dù họ đã rời xa nó 16 năm.
Không phải dịp đặc biệt, rất khó để có thể được gặp mặt đầy đủ những học sinh lớp năng khiếu dân tộc đầu tiên của tỉnh năm ấy. Nhưng nhờ có sự kết nối, giúp đỡ của thầy giáo Nguyễn Quang Đức, Hiệu trưởng trường PTTH chuyên Hoàng Văn Thụ và thầy giáo Quách Thắng Cảnh tôi đã may mắn được gặp lại những học sinh lớp tạo nguồn cán bộ dân tộc của tỉnh năm nào. Cho dù đến giờ mỗi người một cương vị công tác nhưng khi gặp nhau họ vẫn còn rất trẻ trung, sôi nổi và gắn kết. Giống như hôm nào còn ngồi chung trong một lớp học. Gặp nhau, kỷ niệm cứ ùa về. Dẫu biết rằng lần nào gặp họ cũng kể cho nhau nghe. Anh Quách Văn Thông hiện đang là Thạc sỹ, giảng viên trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật tỉnh nhớ lại: Ngày ấy lớp chúng tôi vui lắm. Vì là học sinh dân tộc ở xa nhà nên hầu hết được ưu tiên ở trong ký túc xá của trường. Ngày đấy mới 15 tuổi, hầu hết là lần đầu tiên sống xa nhà nên thầy giáo chủ nhiệm cũng phải ở cùng. Để chúng tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, thỉnh thoảng thầy vẫn sang hát chèo cho chúng tôi nghe. Phải nói là những ngày tháng ấy đầy ắp kỷ niệm. Thầy chăm bẵm, lo lắng cho chúng tôi như cha, mẹ. Học sinh ốm thầy có mặt, học sinh khóc vì nhớ nhà thầy cũng có mặt khi chúng tôi đi thi, thầy cũng có mặt để động viên. Như khi tôi học thể dục môn nhảy cao bị gãy tay và bạn Đinh Thị Thu đau ruột thừa cấp cứu ở bệnh viện thì thầy đã thay mặt phụ huynh chăm sóc cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ.
Không phụ công thầy, 27 học sinh lớp năng khiếu dân tộc đã không ngừng nổ lực, cố gắng rèn luyện, học tập và học giỏi. Cho đến bây giờ những cái tên như Bạch Trường Sơn, Đinh Mai Anh, Bùi Thị Quỳnh Liên... vẫn luôn là niềm tự hào của thế hệ học sinh niên khóa 1992 - 1995. Thầy giáo Quách Thắng Cảnh tự hào: Không thể kể, nói hết những khó khăn khi ấy. Nhưng các em đã luôn cố gắng, nỗ lực để xứng đáng với sự kỳ vọng của thầy cô và nhà trường. Nhờ đó, các em đã đạt được những thành tích nổi bật cho đến bây giờ nó vẫn là những dấu ấn khó quên như em Bạch Trường Sơn đã giành giải nhất môn toán trong Festivan các trường dân tộc nội trú toàn quốc năm 1994 tại Bình Định. Hay như em Đinh Mai Anh cũng đã đạt giải nhì môn tiếng Anh toàn quốc năm 1994, em Bùi Thị Quỳnh Liên đạt giải nhất môm toán lớp 9 trong kỳ thi học sinh giỏi các trường chuyên trong tỉnh... Đến nay, trong số 27 học sinh của lớp thì hiện nay đã có 4 em có trình độ thạc sỹ. Hầu hết học sinh của lớp hiện đang công tác ở tỉnh nhà trên nhiều lĩnh vực. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng các em cũng đã trưởng thành và có những đóng góp nhất định vào sự phát triển KTXH của địa phương.
Nói về thế hệ học sinh đặc biệt này, Hiệu trưởng Trường PTTH chuyên Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Quang Đức khẳng định: thế hệ học sinh lớp năng khiếu dân tộc mặc dù tuổi đời vẫn còn trẻ nhưng họ đã thể hiện được bản lĩnh, ý thức trách nhiệm của mình trong các lĩnh vực công tác. Đặc biệt, cho đến nay thế hệ học sinh này đã đáp ứng được sự kỳ vọng của các cấp các ngành, chính quyền địa phương khi tổ chức lớp tạo nguồn cán bộ dân tộc cho tỉnh. Đồng thời, chính các em cũng đã khẳng định được bản thân trong các lĩnh vực KTXH, KHCN và ANQP ở địa phương. Chính thế hệ của các em đã đặt một dấu ấn không thể quên trong chặng đường xây dựng và trưởng thành của nhà trường.