Sức sống một chỉ thị
Ngay sau khi có Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 25-KH/TU, ngày 17/9/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị trên địa bàn tỉnh. Sau 10 năm, 100% huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW đến tận bản, làng, thôn xóm, được tuyên truyền sinh động không chỉ qua các lớp tập huấn, nghiên cứu mà bằng những hành động thực tiễn, các mô hình, điển hình trong đời sống, được phản ánh trên Báo Hòa Bình, Đài PT&TH tỉnh, Webside của Sở Giáo dục và Hội Khuyến học tỉnh giới thiệu qua các phóng sự, chuyên mục, chuyên đề... đưa các văn bản của Đảng, của tỉnh, của Hội đến với mọi người dân một cách nhanh nhất. Đồng thời giới thiệu những gương sáng về học tập tốt, lao động tốt, những học sinh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống đang cần được giúp đỡ.
Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, tỉnh Hòa Bình đã thể chế hóa bằng Kế hoạch số 37-KH/UBND ngày 13/5/2014 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Các ban, sở, ngành, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp huy động mọi lực lượng xã hội tham gia xây dựng xã hội học tập. UBMTTQ tỉnh hàng năm chỉ đạo gắn phong trào "Xây dựng xã hội học tập” với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ngành GD&ĐT chỉ đạo tuyên truyền xây dựng phong trào khuyến học trong các nhà trường, chú trọng công tác vận động "Toàn dân đưa trẻ đến trường”; Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cơ sở Hội tích cực tham gia hưởng ứng ngày "Toàn dân đưa trẻ đến trường”, vận động các cháu ra lớp và tặng quà các cháu là con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn các cấp công đoàn đưa nội dung công tác khuyến học vào tiêu chuẩn thi đua hằng năm và vận động các doanh nghiệp ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài; 100% công đoàn cơ sở có quỹ khuyến học. Hội Nông dân chỉ đạo các cấp Hội vận động hội viên, nhân dân tích cực học tập nâng cao dân trí, gắn phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài với phong trào xây dựng nông thôn mới; phong trào làm kinh tế giỏi, xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đoàn thanh niên tuyên truyền cho đoàn viên học tập phát triển kinh tế… Ngành LĐ-TB&XH tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Sau những văn bản chỉ đạo, sự phối hợp của các ngành thì thụ hưởng những lý thuyết khi được áp dụng trên thực tiễn đó chính là người dân. Trong 10 năm qua, số người biết chữ ở độ tuổi từ 15 - 60 đạt tỷ lệ trên 99%, 34.083 người lao động được tham gia đào tạo nghề, trong số đó có cả những người khuyết tật với 638 người, công nhân lao động được tham gia các lớp học đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề với 36 cơ sở đào tạo, tuyển sinh 137.699 lao động học nghề và dạy nghề, thực sự trở thành nơi người dân lao động tìm được "chiếc cần câu cơm” cho bản thân. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được mở rộng và đầu tư xây dựng kiên cố với các thiết bị giảng dạy như 543 máy vi tính; 6 phòng LAP, 126 máy may 151 phòng học.
(Còn nữa)