DetailController

Quốc phòng - An ninh

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa

18/03/2024 16:30
Trong những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn đã đẩy mạnh việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, của tỉnh về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Nhờ đó, trật tự, kỷ cương của hoạt động giao thông vận tải đường thủy được thiết lập ổn định; các tuyến luồng giao thông đường thủy đã được công bố hoạt động đảm bảo thông thoáng; phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hoá giảm tải cho vận tải đường bộ; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đường thủy nội địa có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó tình hình TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững, ổn định, kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông (TNGT), sự cố giao thông đường thủy, góp phần đặc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tại các bến cảnh, các lực lượng chức năng thực hiện hướng dẫn các chủ bến, người điều khiển phương tiện, hành khách chấp hành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 tuyến sông khai thác vận tải thủy nội địa, trong đó tuyến đường thủy nội địa quốc gia sông Đà dài 103 km (thượng lưu đập thủy điện là 78 km, hạ lưu là 25 km); tuyến đường thủy nội địa địa phương sông Bôi dài 19 km. Ngoài các tuyến sông chính, trên hồ Hòa Bình có 07 tuyến nhánh ngập với tổng chiều dài 50,4 km; có 3 cảng, 15 bến thủy nội địa và 03 bến khách ngang sông, đạt tiêu chuẩn cấp phép theo quy định.

Trong giai đoạn 2015-2023, Ủy ban nhân dân ban tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trong từng thời điểm cụ thể. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật giao thông đường thuỷ nội địa được triển khai tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, các bến thủy nội địa và các đơn vị kinh doanh vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các chủ phương tiện hoạt động vận tải đường thủy nội địa chấp hành đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải (đăng ký kinh doanh; đăng ký, đăng kiểm, đăng kiểm lại phương tiện), đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về an toàn khi tham gia giao thông đường thuỷ nội địa; chỉ vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng phương tiện thủy có đủ điều kiện đảm bảo an toàn giao thông, người lái, thuyền viên, thuyền trưởng có đầy đủ bằng lái, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, các phương tiện phải được trang bị đủ phao, áo phao cứu sinh và các thiết bị chỉ báo hoạt động ban đêm, thiết bị phòng cháy còn thời hạn sử dụng,...

Thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”, “Cảng bến sông an toàn”,…bằng nhiều hình thức đa dạng như qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, qua tài liệu, các hội nghị, các buổi tập huấn,... làm chuyển biến về nhận thức và hành động của mọi người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông bằng phương tiện thuỷ; nâng cao ý thức vì cộng đồng của mỗi cá nhân. Nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình “Văn hoá giao thông đường thuỷ” kết hợp với việc tập trung xây dựng mô hình văn hoá giao thông đường thuỷ nội địa tại các bến thuỷ, khu dân cư, đơn vị hành nghề trên các tuyến thuỷ nội địa, các cụm dân cư sinh sống ven sông; các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản… Bổ túc kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và các nội dung của cuộc vận động đối với tuyên truyền viên, cộng tác viên.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định trong hoạt động kinh doanh cảng, bến thủy nội địa, thu hút đầu tư các hạng mục của bến theo quy hoạch đã được phê duyệt theo quy định, đồng thời xin cấp phép hoạt động theo quy định. Hướng dẫn các chủ bến, người điều khiển phương tiện, hành khách chấp hành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy và công tác phòng chống dịch bệnh. Thực hiện việc đăng ký phương tiện thủy nội địa theo thẩm quyền. Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tổ chức các lớp tập huấn pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa.

Từ 2015 - 2023, các lực lương chức năng, chính quyền địa phương đã tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền luật giao thông đường thủy cho trên 4500 lượt chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện hoạt động chở khách tại 05 xã có bến chở khách du lich và đò ngang; tổ chức trên 61 buổi tuyên truyền pháp luật về TTATGT đường thủy, phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em với 8.150 lượt người dự nghe, tặng trên 800 áo phao, và 500 dụng cụ nổi cho học sinh thường xuyên đi học bằng đường thủy; phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa, 200 quyển văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.

Theo số liệu điều tra cơ bản, số phương tiện thủy đang hoạt trên các tuyến sông là 936 phương tiện các loại. Trên tuyến đường thủy nội địa sông Đà hiện nay có 260 phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, thuộc 09 hợp tác xã, 01 tổ tự quản và 05 cá nhân kinh doanh vận tải hành khách; có tổng số 41 phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, trong đó phương tiện vận chuyển, khai thác cát, sỏi tuyến Sông Đà là 14 phương tiện, có 02 phương tiện tàu cuốc, 01 tàu hút chuyên dùng sang mạn khai thác cát, sỏi; 24 phương tiện vận chuyển các loại hàng hóa khác. Công tác quản lý TTATGT trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường thuỷ nội địa, Công an tỉnh phát hiện lập biên bản 1.598 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước 3,3 tỷ đồng; Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy và lực lượng chức năng quản lý cảng, bến trên địa bàn tỉnh kiểm tra các cơ sở đóng mới, sửa chữa, cảng, bến khách ngang sông, các điều kiện hoạt động của phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy nội địa, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường thủy nội địa với 31 vụ; số tiền vi phạm: 340 triệu đồng. Từ năm 2015 đến 2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra 02 vụ TNGT đường thủy nội địa, làm 03 người chết, 01 người bị thương. Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra, giải quyết các vụ TNGT nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tình hình TTATGT - trật tự xã hội trên đường thủy trong những năm qua diễn biến khá phức tạp; tình trạng vi phạm Luật Giao thông Đường thuỷ nội địa vẫn diễn ra là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến TNGT đường thủy. Luồng chạy tàu bị hẹp và bị cạn do sự thay đổi của dòng chảy dẫn đến ATGT chưa được bảo đảm; kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy phát triển chậm, luồng, tuyến, cảng, bến ít được cải tạo, đầu tư, nâng cấp… đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo TTATGT trên đường thuỷ trong những năm qua…/.