DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động góp phần đảm bảo an sinh xã hội

29/12/2023 15:49
Những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời là sự vào cuộc và triển khai thực hiện đồng bộ tích cực của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và của toàn xã hội. Công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ tường bước đi vào nề nếp, ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ được nâng cao; các doanh nghiệp đã từng bước quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, thực hiện chế độ, chính sách pháp luật về ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động được các cấp các ngành xử lý quyết liệt, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Việc phối hợp triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động giữa các cấp, các ngành chặt chẽ, hiệu quả. Năng lực mạng lưới làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được cải thiện rõ rệt. Nhờ kiềm chế sự gia tăng về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động được nhiều doanh nghiệp xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản cho người lao động

Sau 10 năm thực hiện Kế hoạch số 78-KH/TU và 05 năm thực hiện Kết luận số 217-KL/TU thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 19/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ được nâng lên, làm tốt công tác ATVSLĐ là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ tác động của công tác ATVSLĐ đến năng suất, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, đến sự phát triển của doanh nghiệp nên đã quan tâm tới việc cải thiện điều kiện làm việc, huấn luyện công tác ATVSLĐ, đo kiểm tra môi trường lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân và các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho người lao động, xây dựng hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ. Trung bình hằng năm tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 3% số cơ sở được giám sát môi trường lao động.

Người lao động đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao động đến sức khỏe và tính mạng của mình nên đã chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy trình, quy phạm an toàn và trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc. Điều đó tạo tâm lý ổn định cho lao động tạo dựng mối quan hệ gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp; làm cơ sở cho việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.

Hàng năm, các địa phương đã tổ chức có hiệu quả Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động; một số huyện, thành phố đã chủ động bố trí kinh phí cho công tác ATVSLĐ và quan tâm hơn đến công tác ATVSLĐ. Trình độ của cán bộ làm công tác ATVSLĐ của các cấp, các doanh nghiệp được nâng lên, kinh nghiệm và phương pháp huấn luyện, truyền thông ngày càng hoàn thiện; chất lượng và số lượng các đợt thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ đã tăng đáng kể.

Công tác ATVSLĐ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn đã và đang được quan tâm, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Thông báo tình hình tai nạn lao động trên toàn quốc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 10 năm tỉnh Hòa Bình không thuộc danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số vụ tai nạn lao động chết người nhiều nhất hoặc xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết nhiều người.

Tuy nhiên công tác thông tin tuyên truyền, huấn luyện về công tác ATVSLĐ chưa thường xuyên, kinh phí cho công tác tuyên truyền, huấn luyện nhất là đối tượng làm việc không theo hợp đồng lao động còn hạn hẹp. Công tác thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh lao động chưa kịp thời, trọng tâm, trọng điểm. Các chế tài xử lý sau thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm về công tác ATVSLĐ. Tình trạng mất an toàn lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn xảy ra, nhất là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và thi công công trình xây dựng, cơ khí... Công tác đảm bảo ATVSLĐ ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhóm thợ (người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động) chưa thực hiện đầy đủ…

Thời gian tới để thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung, giải pháp trong các văn bản của Trung ương, của tỉnh về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, sự quản lý, chỉ đạo của các cơ quan nhà nước đối với công tác ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực sự coi trọng công tác ATVSLĐ; các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cần thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, giáo dục, công tác kiểm tra giám sát, đánh giá hiệu quả của việc thực hiện pháp luật ATVSLĐ trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về ATVSLĐ-PCCN đến đông đảo người lao động và nhân dân để thay đổi được tập tục, thói quen, nhận thức, tác phong của người lao động và người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ cho người lao động. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho đầu tư, phát triển các dịch vụ trong công tác ATVSLĐ và PCCN.

Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ-PCCN; kiểm tra đột xuất, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra; cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đình chỉ, tạm dừng hoạt động đối với các doanh ngiệp, cá nhân, cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện ATVSLĐ-PCCN và gây ô nhiễm môi trường.

Các cấp, các ngành, các huyện, thành phố chủ động bố trí nguồn lực để thực hiện công tác ATVSLĐ tại địa phương để thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch và bố trí nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 16/02/2022 của Chính phủ.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể về công tác ATVSĐ, các biện pháp, phương án cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Triển khai thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động theo quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ; đẩy mạnh và duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức, kỷ luật lao động cho người lao động trong doanh nghiệp; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, khai báo và xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Thực hiện nghiêm túc việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động; thực hiện đầy đủ chế độ cho người bị TNLĐ và thân nhân nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định.Tăng cường công tác tự kiểm tra trong doanh nghiệp, đo kiểm tra môi trường lao động và khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.../.