Công tác thông tin truyền thông được đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website Cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, treo băng zôn khẩu hiệu tại các trục đường chính và nơi đông dân cư. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình tăng cường tuyên truyền bảo đảm ATTP, thực hiện phóng sự, chuyên mục, chuyên đề về ATTP. Các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã tổ chức 137 lễ phát động hoặc hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023. Đài Phát thanh và Truyền hình huyện, thành phố phát sóng 763 buổi, đưa tin bài, chuyên mục, phóng sự ATTP; treo 677 băng zôn trên các trục đường chính, khu vực đông dân cư; in sao 55 đĩa tuyên truyền ATTP; tổ chức 142 buổi hội nghị, hội thảo với 3.623 người tham dự; tổ chức 09 lớp tập huấn với 629 người tham dự; phát thanh 16.339 lượt trên loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn; tổ chức 675 buổi nói chuyện về ATTP với 9.546 người tham gia; in ấn 3.330 tờ rơi, tờ gấp ATTP...
Các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đã phát hiện những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm các điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện về trang thiết bị dụng cụ, điều kiện về con người, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong lĩnh vực y tế, đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm. Kết quả: Kiểm tra 07 Ban Chỉ đạo ATTP tuyến huyện, 76 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, 06 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là hơn 26,7 triệu đồng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, triển khai 02 cuộc thanh tra theo kế hoạch việc chấp hành các quy định về ATTP trong chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản tại 11 cơ sở, kết quả: 9/11 cơ sở được thanh tra chấp hành tốt các quy định về đảm bảo ATTP trong chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản; phát hiện 02 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với 02 cơ sở với tổng số tiền phạt là 8 triệu đồng. Trong lĩnh vực công thương, triển khai 02 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP, kết quả kiểm tra 25 cơ sở, số vụ vi phạm là 01 cơ sở, số tiền phạt 1,5 triệu đồng, tiêu hủy 51 kg quẩy xoắn đường trị giá 1,35 triệu đồng. Công an tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện, đấu tranh với 35 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Đã hoàn thiện hồ sơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 35 tổ chức cá nhân với tổng số tiền xử phạt là gần 196 triệu đồng. Đồng thời tịch thu, tiêu hủy hàng hóa gồm bánh quẩy, kẹo dẻo, chân gà, mứt tết... trị giá gần 17 triệu đồng. Ban chỉ đạo ATTP các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã thành lập 345 đoàn kiểm tra. Tổng số cơ sở được kiểm tra: 5.242 cơ sở; số cơ sở vi phạm: 169; số cơ sở bị phạt tiền: 67 cơ sở; tổng số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 104 triệu đồng.
Thông qua đợt kiểm tra trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 đã kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền ATTP tới các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ các sự kiện, các hội nghị lớn của tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm, tổng số người bị ngộ độc thực phẩm (NĐTP) trong các vụ là 18 người, trong đó 01 người tử vong. Số ca ngộ độc thực phẩm mắc là 26 người. Đã thực hiện lấy 793 mẫu kiểm soát mối nguy về ATTP trong lĩnh vực y tế và làm xét nghiệm. Triển khai lấy 24 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh để phân tích các chỉ tiêu về ATTP và chất lượng sản phẩm, kết quả: 24/24 mẫu đảm bảo chất lượng, ATTP đối với các chỉ tiêu phân tích. Trong 6 tháng, toàn tỉnh đã tổ chức giám sát đảm bảo ATTP cho 1.463 bữa ăn đông người.
Trong 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh; triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023 (đặc biệt chú trọng hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm tự công bố). Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14/5/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đảm bảo ATTP đối với bữa ăn đông người trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo đảm ATTP. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân, các hiệp hội và hội nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền, giám sát, vận động, giáo dục về ATVSTP. Thường xuyên cập nhật các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo mới của Trung ương và của tỉnh; phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của người sản xuất trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.
Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào các chuỗi liên kết, sản xuất thực phẩm an toàn; kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi tham gia các hội chợ; tuần lễ, diễn đàn giới thiệu nông sản an toàn. Tăng cường hỗ trợ các cơ sở sản xuất áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho các cơ sở trồng trọt; cơ sở đóng gói sản phẩm để phục vụ cho việc xuất khẩu.
Chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung Thu 2023, Tết Nguyên đán 2024; Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về ATTP khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, hạn chế nhắc nhở cơ sở có hành vi vi phạm; Chú trọng thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo bồi dưỡng quản lý nhà nước về ATTP cho Ban Chỉ đạo ATTP tuyến huyện và tuyến xã, các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra chuyên ngành, quản lý nhà nước về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho cán bộ làm công tác ATTP đặc biệt là cán bộ tuyến xã; Tập huấn, triển khai cập nhật các văn bản pháp luật về ATTP cho cán bộ làm công tác ATTP, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Hoàn thành mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm tại Chợ trung tâm thị trấn Lương Sơn. Tiếp nhận, thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cấp đăng ký bản công bố sản phẩm, tiếp nhận hồ sơ tự công bố, xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Tiếp tục lấy mẫu kiểm soát mối nguy về ô nhiễm thực phẩm, kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng (nếu phát hiện sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm); Điều tra giám sát ngộ độc thực phẩm theo quy định; duy trì chủ động hoạt động giám sát ngộ độc thực phẩm; kịp thời thông tin, báo cáo ngộ độc thực phẩm đúng quy định của Bộ Y tế./.