DetailController

Tin từ các đơn vị

Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều ứng phó với tình hình mưa lũ và tổ chức thu thập số liệu lũ trên các tuyến sông

17/09/2024 17:11
Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài trên diện rộng của hoàn lưu Bão số 3 gây ra đợt mưa lớn trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình, sông Đáy, sông Hoàng Long,… đặc biệt lũ trên một số tuyến sông đã vượt mức lũ lịch sử, đỉnh lũ hầu hết các tuyến sông vượt mức báo động 3 (BĐ3), hệ thống đê điều toàn quốc đã xảy ra trên 300 sự cố đê điều. Hiện lũ trên hệ thống sông đang xuống, tuy nhiên mực nước vẫn còn duy trì ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố sạt lở đê, kè bảo vệ đê, sạt lở bờ, bãi sông.

Thực hiện Công văn số 923/ĐĐ-QLĐĐ ngày 14/9/2024 của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai về việc đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, ứng phó với tình hình mưa lũ và Công văn số 919/ĐĐ-QLĐĐ ngày 14/9/2024 của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai về việc tổ chức thu thập số liệu lũ trên các tuyến sông. Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều và tổng hợp số liệu thực tế trận lũ phục vụ công tác quản lý, hộ đê, ngày 16/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 2884/SNN-TL về việc đảm bảo an toàn hệ thống đê điều ứng phó với tình hình mưa lũ và tổ chức thu thập số liệu lũ trên các tuyến sông.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có đê tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung như sau:

Thực hiện nghiêm Công điện số 27/CĐ-UBND ngày 12/9/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tập trung ứng phó với mưa lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình và văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều.

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là khi lũ rút, tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ các tuyến đê; trong đó lưu ý tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến các khu vực đã xảy ra sự cố, rà soát các vị trí có nguy cơ xảy ra các sự cố sạt lở đê, kè bảo vệ đê, sạt lở bờ, bãi sông,… khi lũ rút; tiếp tục duy trì lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, kịp thời xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều. Rà soát, kiện toàn lực lượng quản lý đê nhân dân trên địa bàn theo Quyết định số 434/QĐ-UBND ngày 15/3/2023 của UBND tỉnh về việc thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân quản lý các tuyến đê cấp IV, cấp V trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo dõi chặt chẽ diến biến mưa, mực nước lũ trên các triền sông và tình hình đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều (ngay sau khi xảy ra sự cố) và thường xuyên rà soát, tổng hợp, báo cáo đầy đủ các sự cố đê điều về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp.

Tổ chức thu thập số liệu lũ trên các tuyến sông có đê trên địa bàn. Kết quả thu thập số liệu phục vụ chỉ đạo, quản lý, hộ đê của địa phương gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 21/9/2024, để tổng hợp báo cáo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có đê triển khai, thực hiện./.