Thực hiện thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ, Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 28/12/2022 của Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Huyện Đà Bắc chủ trương trong giai đoạn này thực hiện lồng ghép các nội dung, mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Huyện đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 4,5 - 5%/năm; Tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm; Tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%; Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 55%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 50%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 60%; Toàn huyện có 49 HTX nông nghiệp, số thành viên tăng 2 - 3 %/năm; Toàn huyện có ít nhất 43,75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 5% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 61%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 1.664 ha.
Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô tập trung, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Để thực hiện mục tiêu trên, huyện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Tập trung phát triển ngành trồng trọt theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo an ninh lương thực; nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo quy hoạch và dựa trên kết quả Đề án xây dựng bản đồ thổ nhưỡng và phân hạng thích nghi đất sản xuất nông nghiệp; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của huyện; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung an toàn sinh học, đẩy mạnh cải thiện chăn nuôi nông hộ. Hình thành khu, vùng chăn nuôi tập trung, khép kín, xa khu dân cư, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại.
Rà soát lại quy hoạch và phân loại rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Bảo vệ nghiêm ngặt 5.026,6 ha rừng đặc dụng, duy trì tính đa dạng sinh học của rừng; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, sản xuất hiện có; tăng cường năng lực, hiệu lực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Khai thác, sử dụng hợp lý tiềm năng các loại mặt nước theo hướng hiệu quả và bền vững. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức nuôi kết hợp, nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp trong bể, ao, hồ chứa, ưu tiên phát triển nuôi lồng bè tập trung trên hồ Hòa Bình và các hồ chứa.
Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản; thu hút doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện thông qua liên kết sản xuất tạo ra sản lượng nông sản hàng hóa lớn và được tiêu thụ tại các thị trường lớn trong và ngoài nước.
Phát triển làng nghề với quy mô, cơ cấu sản phẩm, trình độ công nghệ hợp lý đủ sức cạnh tranh, thích hợp với điều kiện của từng địa phương, gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các làng nghề để làm nòng cốt cho sự phát triển, ưu tiên những ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tổ chức lại sản xuất, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả; tạo điều kiện thu hút và phát triển các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hạt nhân liên kết với nông dân, dẫn dắt chuỗi giá trị và phát triển thị trường đảm bảo phát triển vững chắc, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp - nông dân - xã hội; phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp trở thành hạt nhân nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp để thực hiện tốt vai trò tổ chức cho nông dân sản xuất nông sản hàng hóa, làm đầu mối kết nối các thành phần trong chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian; xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ, hình thành không gian kinh tế chung giữa các sản phẩm, địa phương tương đồng về điều kiện.
Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa: Thực hiện chương trình NTM: Phấn đấu đến năm 2025 số xã đạt chuẩn NTM đạt 43,75%. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới văn minh. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là các khu vực ven đô thị lớn, thị trấn, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị. Thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Huyện Đà Bắc chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào, cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”; xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.
Bên cạnh đó tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp; Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động dịch vụ, phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện chính sách đặc thù đối với vùng đặc biệt khó khăn có tỷ lệ nghèo cao; Phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo việc làm cho lao động nông thôn./.