DetailController

Trồng trọt

Đà Bắc: Phát triển và bảo vệ rừng tạo sinh kế bền vững cho người dân

05/06/2024 16:30
Đà Bắc là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình với diện tích đất gần 78 nghìn ha, trong đó đất lâm nghiệm là 62 nghìn ha, chiếm trên 79% diện tích tự nhiên, phân bố trên địa bàn 17 xã, thị trấn. Trong đó, đất rừng đặc dụng 5.026,60 ha; đất rừng phòng hộ 28.574,22 ha; đất rừng sản xuất 28.348,6 ha; độ che phủ của rừng là 60,96 %. Năm 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 15,1%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng: Công nghiệp - Xây dựng 21,8,%, Thương mại - Dịch vụ 44,0%, Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản 34,2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo 25,77%.
Phát triển và bảo vệ rừng tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cao

Trong giai đoạn 2019 - 2023, trên địa bàn huyện Đà Bắc thực hiện giao đất  của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình trả về cho địa phương quản lý với diện tích là 1.193,88 ha, huyện đã giao cho các hộ gia đình trên địa bàn. Đối với diện tích rừng tự nhiên đã được cộng đồng dân cư các xã quan tâm, tích cực trong việc bảo vệ rừng, chất lượng rừng được nâng lên; 100% diện tích rừng tự nhiên được hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo vệ rừng thông qua Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng phòng hộ.

Hằng năm được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, người dân đã chủ động thực hiện đẩy mạnh bảo vệ rừng, trồng mới rừng sản xuất, trồng lại rừng sản xuất sau khai thác, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; từ đó góp phần nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn. Từ năm 2019 đến nay trên địa bàn huyện đã trồng mới trên 3,4 nghìn ha rừng, trồng khoảng 1,6 triệu cây các loại.

Trong giai đoạn 1995 - 2000 huyện Đà Bắc đã triển khai thực hiện việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp với tổng diện tích là 60.037,40 ha. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc và miền núi giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn huyện Đà Bắc năm 2022 và năm 2023 đã hỗ trợ cho cộng đồng các xóm, hộ dân thuộc xã vùng III khoán bảo vệ rừng với diện tích 18.307,8 ha; Hỗ trợ bảo vệ rừng cho các hộ thuộc các xã vùng I với diện tích: 649,76 ha. Tổng kinh phí bảo vệ, phát triển rừng từ năm 2019 - 2023: 82.468,05 triệu đồng. Đất có nguồn gốc từ lâm trường quản lý giao cho tổ chức, cá nhân quản lý: 3.104 ha. Các chính sách được ban hành đã góp phần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thể hiện sự quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Nhìn chung, trong giai đoạn này có nhiều chương trình, dự án đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, tạo cơ hội việc làm và tăng thêm thu nhập cho người làm nghề rừng. Việc xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng từng bước huy động được mọi nguồn lực, cũng như mọi thành phần kinh tế tham gia vào bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho phát triển lâm nghiệp còn chưa đáp ứng được so với chính sách đề ra. Những hộ gia đình hoạt động sản xuất lâm nghiệp đa số là hộ nghèo không có vốn để phát triển rừng theo hướng thâm canh. Rừng chủ yếu bị khai thác non làm nguyên liệu và củi đốt. Việc phát triển rừng cây gỗ lớn gặp nhiều khó khăn do chu kỳ kinh doanh dài, đòi hỏi nguồn vốn dài hạn. Bên cạnh đó, mức hưởng quy định hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng còn thấp. Còn tồn tại sai lệch giữa số liệu thống kê, ranh giới trên bản đồ quy hoạch với thực tế sử dụng. Năng suất rừng trồng thấp so với bình quân cả nước, sản phẩm khai thác chủ yếu là gỗ nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; giá trị thu nhập từ sản xuất kinh doanh rừng còn thấp; lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng mỏng, thiếu năng lực và nguồn lực thực hiện…

Trên cơ sở đó, huyện kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần tiếp tục có một số chính sách đầu tư về bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Trong đó, cần có chính sách bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; rừng sản xuất là rừng tự nhiên; hỗ trợ chữa cháy rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Có các chính sách khuyến khích chủ rừng, doanh nghiệp đầu tư dự án về bảo vệ và phát triển rừng, các chính sách về giống cây lâm nghiệp chính, các giống cây lâm sản ngoài gỗ để tăng giá trị rừng…/.