Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, hệ thống chăm sóc sức khỏe y dược cổ truyền đã được mở rộng và phát triển ở tất cả các tuyến. Khoa YHCT và Phục hồi chức năng tại Trung tâm Y tế huyện duy trì hoạt động khám, điều trị bằng YHCT, YHCT kết hợp YHHĐ thường xuyên. Trạm Y tế các xã, thị trấn tăng cường khám, tư vấn, điều trị bệnh bằng YHCT kết hợp YHHĐ. 100% Trạm Y tế có khám chữa bệnh bằng YHCT kết hợp YHHĐ được thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 02 cơ sở khám chữa bệnh bằng YHCT tư nhân được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Tỷ lệ khám chữa bệnh YHCT, YHCT kết hợp YHHĐ tại Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế các xã, thị trấn tăng dần theo từng năm, năm sau cao hơn năm trước. Trung tâm Y tế huyện đã thực hiện việc bốc thuốc điều trị và sắc thuốc tại chỗ cho bệnh nhân; thực hiện nhiều phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như châm cứu, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi... Việc khám, điều trị bằng YHCT mang lại nhiều kết quả tốt, đặc biệt là khám, điều trị các bệnh liên quan đến cơ, xương, khớp như thoái hóa cột sống, đau cổ vai, cánh tay, đau thần kinh tọa, liệt dây thần kinh, …
Công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về YHCY cho nhân viên y tế được quan tâm thực hiện, nhất là đối với cán bộ tại tuyến y tế cơ sở. Hiện nay, Khoa YHCT và Phục hồi chức năng của Trung tâm Y tế huyện có 03 bác sĩ y học cổ truyền; 14/17 Trạm Y tế xã, thị trấn có Y sĩ có chứng chỉ định hướng YHCT thực hiện khám, tư vấn chữa bệnh YHCT kết hợp với YHHĐ; 100% Trạm Y tế có vườn cây thuốc nam theo danh mục quy định của Bộ Y tế như các nhóm cây về đường tiêu hóa, hô hấp, nhóm trị cảm cúm, ...
Hiện nay, 100% Trạm Y tế các xã, thị trấn duy trì trồng, chăm sóc vườn thuốc nam. Ngành Y tế và Hội Đông y thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu cho Nhân dân hiểu biết, sử dụng một số cây thuốc, bài thuốc quý, phương pháp chữa bệnh thường gặp tại cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy nguồn dược liệu quý, những bài thuốc cổ truyền, phương pháp chữa bệnh hay bằng Đông y, nâng cao chất lượng và hiệu quả khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
Trong 15 năm, đã có 03 đề tài cấp tỉnh liên quan đến lĩnh vực y, dược cổ truyền. Đa phần tập trung vào nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng thử nghiệm, chăm sóc, chế biến một số loài cây dược liệu như củ Nưa, cây Bình vôi, giải pháp phát triển vùng nguyên liệu tập trung sản xuất thuốc đông dược; nghiên cứu châm cứu kết hợp với xóa bóp bấm huyệt điều trị đau cổ vai gáy cho bệnh nhân. Ngoài ra các đề tài để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho một số dược liệu của huyện cũng được quan tâm, bước đầu xây dựng được vùng dược liệu tập trung, đã có nghiên cứu về thực trạng đề xuất giải pháp phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị tại huyện.
Công tác tổ chức bộ máy Hội Đông y được củng cố, kiện toàn. Hội Đông y huyện được thành lập từ năm 1995. Đến nay, Hội đã trải qua 07 kỳ Đại hội, hiện có 119 hội viên. Hội có Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ theo quy định. 100% hội viên chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định pháp luật về hành nghề y, dược cổ truyền.
Với quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hay “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, công tác phát triển dược liệu với mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp dược bằng nguyên liệu trong nước đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao tới xuất khẩu được chú trọng thì nhu cầu về nuôi trồng, chế biến và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu ngày càng cao. Dự báo trong giai đoạn tiếp theo, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe YHCT sẽ là một sự lựa chọn ưu tiên của nhiều đối tượng, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh mới nổi, bệnh khó chữa, ...Vì vậy, các ủy Đảng và chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 24-CT/TW và các văn bản có liên quan về phát triển nền đông y và Hội Đông y các cấp. Nâng cao vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Hội Đông y, trực tiếp chỉ đạo Hội kiện toàn tổ chức, chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động Hội, phát triển hội viên. Tiếp tục triển khai cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Hội Đông y hoạt động và phát triển. Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh bằng đông y tại các đơn vị y tế cơ sở và quản lý nhà nước về các hoạt động của các cơ sở hành nghề y dược học cổ truyền trên địa bàn huyện.
Xây dựng, đề xuất quy hoạch tổng thể vùng chuyên nuôi trồng dược liệu; đẩy mạnh nghiên cứu, điều tra, bảo tồn nguồn dược liệu, xác định nhu cầu sử dụng dược liệu phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Kết hợp chặt chẽ giữa việc khuyến khích “trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà” với việc hình thành các vùng chuyên nuôi trồng, chế biến cây, con làm thuốc theo hướng công nghiệp, quy mô lớn. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành lập các cơ sở khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực, sản xuất, chế biến, kinh doanh thuốc đông y, phát triển các vùng dược liệu, củng cố, tập hợp các lương y, lương dược trên địa bàn, thành lập Hội Đông y cấp xã, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân…/.