Huyện Đà Bắc có tổng diện tích tự nhiên 77.976,81 ha, trong đó quy hoạch đất lâm nghiệp 60.037,40 ha (rừng đặc dụng 5.092,3 ha; rừng phòng hộ 29.008,32 ha; rừng sản xuất 25.936,78 ha), chiếm 77% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích đất có rừng: 47.538,54 ha (diện tích rừng tự nhiên: 28.479,07 ha, diện tích rừng trồng đã thành rừng: 18.789,47 ha). Diện tích chưa thành rừng và đất trống, đất khác: 18.456,87 ha.
Huyện có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế rừng, tuy vậy, năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp so với bình quân chung cả tỉnh. Huyện ủy, UBND huyện đã, đang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương các xã, thị trấn xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế rừng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, chuyển đổi tập quán sản xuất lâm nghiệp từ quảng canh sang thâm canh rừng, tăng tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn, phục vụ công nghiệp chế biến, gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Theo rà soát quy hoạch 3 loại rừng năm 2018, tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp của huyện là 60.030,40 ha, trong đó, quy hoạch rừng sản xuất 25.936,78 ha, gồm: 7.733,93 ha rừng tự nhiên, 10.427,17 ha rừng trồng, 7.775,68 ha đất trống, là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp, khai thác lợi thế về địa lý, lao động trong huyện. Nhiều năm nay, huyện tập trung chỉ đạo, hoàn thành các chỉ tiêu về trồng rừng, quản lý và bảo vệ rừng. Hàng năm trồng từ 8.00 - 1.000 ha rừng sản xuất, chủ yếu là cây keo tai tượng thực sinh chiếm trên 90%, thường xuyên tổ chức hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho các chủ rừng. Hiện tượng khai thác rừng non cũng giảm dần. Công tác nâng cao giá trị sản phẩm của rừng được các chủ rừng chú trọng, quan tâm, đã thực hiện cấp chứng chỉ rừng của doanh nghiệp 1.664,7ha (rừng trồng 890,5 ha, rừng tự nhiên là 774,2 ha). Hiện nay độ che phủ rừng của huyện duy trì ổn định 61%. Phát triển rừng đang vận hành theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Mức độ đầu tư thâm canh rừng cũng được cải thiện. Nếu giai đoạn 2011 - 2016 đạt bình quân khoảng 50 m3/ha/chu kỳ, đến năm 2019 đạt 62 m3/ha/chu kỳ và năm 2020 năng suất khoảng 66 m3/ha/chu kỳ. Năm 2022 năng xuất đạt 68 m3/ha, tổng thu nhập từ rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình đạt 182,48 tỷ đồng, tăng 90,38 tỷ đồng so với năm 2019 trước khi có Nghị quyết.
Tuy nhiên năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế rừng trồng của huyện thấp so với bình quân chung cả tỉnh, chu kỳ sản xuất chỉ từ 5 - 6 năm, giá trị chỉ đạt khoảng hơn 40 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, diện tích rừng quản lý bền vững và cấp chứng chỉ rừng còn ít (diện tích cấp chứng chỉ FSC chủ yếu của doanh nghiệp nhà nước). Tuổi đời cho một chu kỳ cây rừng sản xuất mất nhiều năm, trong khi đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tình trạng khai thác rừng non, bán nguyên liệu thô hoặc băm dăm diễn ra phổ biến. Nhiều diện tích rừng không có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng thấp, thời gian sinh trưởng ngắn, không chuyển hóa thành rừng gỗ lớn. Việc tổ chức sản xuất, đầu tư thâm canh, kết nối thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất trồng, chế biến còn khó khăn.
Nhìn chung, sau 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TU, ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình, phát triển lâm nghiệp của huyện đã phát huy được lợi thế, tiềm năng đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế ở mỗi địa phương. Thu nhập từ lâm nghiệp ngày càng tăng thêm giá trị trên đơn vị diện tích rừng, đã huy động được nhiều nguồn lực tài chính từ các tổ chức và trong dân để đầu tư vào công tác trồng rừng, chế biến lâm sản. Các chỉ tiêu trồng rừng hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, lâm nghiệp đã phát triển theo hướng bền vững, dần khai thác được giá trị tổng hợp của rừng, từ trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác rừng, chế biến lâm sản, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững rừng sản xuất là rừng trồng trên cơ sở hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và phát triển rừng bền vững, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Xây dựng được định hướng, mục tiêu cụ thể cho việc tổ chức lại sản xuất, phát huy thế mạnh từ rừng sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên 01 đơn vị diện tích một cách bền vững, đưa ngành lâm nghiệp hàng năm tăng trưởng cao. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, các văn bản chỉ đạo và các chính sách tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ và nhân dân./.