Dự báo trong thời gian tới, các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm nhóm A (cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, Ebola, tả, thương hàn, MERS-CoV ...) nguy cơ tiềm ẩn do mức giao lưu tại các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng...ngày càng cao. Mặt khác, do biến đổi của khí hậu nóng ẩm mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi phát triển; do đó nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời thì số lượng các trường hợp sốt xuất huyết có thể tăng cao. Do sự xuất hiện ngày càng nhiều của biến thể Omicron (có hơn 50 đột biến so với chủng gốc của virus corona) và các biến thể khác nên nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2024 là rất lớn.
Bệnh tay chân miệng tại Đà Bắc là bệnh lưu hành trong cộng việc kiểm soát bệnh gặp nhiều khó khăn vì không có biện pháp dự phòng đặc hiệu, các thói quen hành vi không hợp vệ sinh và ý thức về phòng chống bệnh của người dân chưa được cao. Vì vậy nguy cơ cao bùng phát dịch tay chân miệng trên địa bàn huyện nếu không có biện pháp phòng chống chủ động và kịp thời. Các bệnh truyền nhiễm như: Cúm, tiêu chảy vẫn ghi nhận số ca mắc cao. Để kiểm soát hiệu quả và phòng ngừa các trường hợp tử vong cần tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh và khuyến cáo người dân tiêm phòng. Các bệnh truyền nhiễm thông thường khác cũng có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn nếu không có các biện pháp dự phòng tốt.
Theo đó, năm 2024, huyện Đà Bắc xác định chủ động phòng ngừa, khống chế kịp thời, không để bùng phát dịch bệnh lớn trên địa bàn huyện, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đà Bắc.
Mục tiêu cụ thể: Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn. Thực hiện các chỉ tiêu chung về chuyên môn, kỹ thuật: 100% ca bệnh, ổ dịch được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, đúng quy định của Bộ Y tế; Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt ≥ 95% quy mô cấp xã; 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm; 100% nhân viên y tế làm việc tại các Khoa khám bệnh, Khoa Nội, truyền nhiễm được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. Các bệnh Ebola, MERS-CoV, cúm A (H7N9): Hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập. Các bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H5N6), Đậu mùa khỉ, viêm gan cấp không rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi khác: 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, hạn chế tối đa xâm nhập và lây lan.
Đối với bệnh sốt xuất huyết: Số mắc/100.000 dân: Giảm 5,0% so với năm 2023; Tỷ lệ chết/mắc: < 100/100.000 dân; Tỷ lệ tử vong: < 0,05%.
Bệnh sốt rét: Bảo vệ thành quả loại trừ sốt rét. Bệnh dại: Hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng: Tỷ lệ mắc: < 100/100.000 dân; Tỷ lệ tử vong: < 0,05. Bệnh tả, lỵ trực trùng: 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng. Bệnh sởi, rubella: Tỷ lệ mắc: < 40/100.000 dân; Tỷ lệ tử vong: < 0,1%. Bệnh ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật Bản B và các bệnh truyền nhiễm khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng: Giảm 5,01% so với năm 2023.
Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, huyện cần tập trung làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực dự báo dịch bệnh truyền nhiễm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; làm tốt công tác giám sát, xử lý dịch; công tác thu dung điều trị bệnh nhân; tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cho tuyến huyện; tổ chức đào tạo, tập huấn; duy trì công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch thường xuyên, liên tục…/.