DetailController

Khoa học - Môi trường

Cựu lâm tặc” trồng rừng để “trả nợ”

17/08/2012 00:00

Từng là lâm tặc, phá rừng để làm giàu nhưng sau những lần vấp ngã, nhận ra giá trị của cuộc sống, của rừng anh đã quay lại rừng trả món nợ gây ra thời trai tráng. Anh là Trịnh Văn Yên, SN 1964, trú tại tiểu khu 2, thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn .

Anh Yên đang giới thiệu về khu rừng của mình

Từ ông chủ biến thành tù nhân

Đến thị trấn Kỳ Sơn, chỉ cần hỏi bà bán hàng nước ven đường về người đàn ông này, ai cũng biết, khiến chúng tôi tò mò vì sao trong mắt mọi người, anh Yên lại nổi tiếng như vậy.

Nhà anh tìm không khó. Đó là một ngôi nhà ba tầng khang trang ngay trên đỉnh dốc giữa trung tâm thị trấn. Chủ ngôi nhà là một người đàn ông chẳng có gì đặc biệt nếu không nói là quá bình thường. Nhưng, đằng sau vẻ bề ngoài ấy là một tiểu sử ly kỳ về cuộc đời một người từng dấn thân làm lâm tặc.

Ngay từ khi đang còn ở trong cái tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”, Trịnh Văn Yên đã nổi tiếng là kẻ chịu chơi dù xuất thân là con nhà nghèo. Trong ký ức của anh, có những hôm nhà hết sạch gạo, mẹ anh còn phải chạy đôn chạy đáo lo vay mượn từng bữa ăn thì Yên lại không chấp nhận cảnh sống như thế khi mà ngay bên cạnh sự nghèo khó là những cây rừng xanh thẫm, lúc nào cũng có thể quy đổi thành tiền. Bước đầu lập nghiệp của Yên khi đó là theo lâm tặc phá rừng. Những ngày đầu bén duyên với “nghề” lâm tặc, anh chỉ là một tay chặt gỗ thuê cho chủ nậu. Yên nhớ lại, ngày đó lần đầu tiên tự tay mình đốn hạ những cây gỗ to bằng hai, ba người ôm đổ xuống đất anh cảm thấy rất phấn khởi. Số tiền buổi đầu tiên làm lâm tặc mà chủ gỗ trả cho Yên cũng dư giả để anh tiêu xài mà không phải suy nghĩ. Có tiền do mình làm ra, Yên vui lắm và coi đó là công việc chính của mình suốt quãng thời gian dài.

Sau những ngày tháng làm việc cật lực ấy, Yên nhận ra một điều mình không thể mãi là kẻ chặt gỗ thuê. Thấy chủ gỗ của mình mỗi lần chuyển hàng trót lọt thu về hàng bao tải tiền, lòng tham đã trỗi dậy trong con người Yên. Ngày tháng dần trôi qua, Yên lân la bên các ông chủ trong mỗi lần vận chuyển hàng với mục đích học hỏi cách làm ăn và tìm mối cho cuộc làm ăn riêng lẻ sắp tới. Chẳng bao lâu khi đã “quen mùi” của những chủ gỗ lậu, Yên bắt đầu quay sang làm ăn riêng. Mới đầu anh không có tiền nên chỉ đốn hạ được vài ba cây gỗ, sau đó thuê người vận chuyển. Nhiều chuyến trót lọt như vậy anh cũng có ít vốn “lót thân”, Yên thuê nguyên một đội quân làm tay chân cho mình, rồi chính thức trở thành ông chủ lâm tặc từ đó.

Tận diệt hết các cánh rừng ở Kỳ Sơn nơi anh đang ở, Yên lại cho quân sang khắp các cánh rừng khác của các huyện thuộc tỉnh Hòa Bình như Kim Bôi, Đà Bắc… “Ngày ấy tôi như một con thú hoang, chỉ cần biết chỗ nào rừng còn cây là lập tức đưa quân lên đốn hạ không thương tiếc”, Yên nhớ lại.

Rồi những cánh rừng ở Hòa Bình đã hết gỗ, anh lại tiếp tục con đường phá rừng của mình bằng việc đi xuyên sang các tỉnh khác như: Sơn La, Thanh Hóa để chặt. Nhớ lại ngày ấy Yên vẫn không sao quên được, mỗi chuyến hàng trót lọt anh thu về cả bao tải tiền. Ở cái tuổi đôi mươi anh đã trở thành tỷ phú nhờ buôn gỗ lậu. Thế nhưng, những đồng tiền được coi là bất chính ấy không được mọi người ngưỡng mộ, bởi trong con mắt người đời, anh chỉ là một sát thủ của rừng.

Cũng chính những ngày tháng sở hữu cả bao tải tiền ấy đã đưa anh đến con đường tội lỗi, tù tội. Có nhiều tiền cũng chẳng biết sử dụng số tiền đó vào việc gì. Yên lao vào con đường cờ bạc, xóc đĩa như một thứ vui. Anh ngồi vào chiếu bạc hết ngày này qua ngày khác, tiêu tiền như nước. Có những buổi thâu đêm suốt sáng, Yên thua đến cả trăm triệu. Những ngày tháng như “khát” bạc ấy, cả bao tải tiền cũng nhanh chóng không cánh mà bay. Từ một ông chủ, anh đã trở về trắng tay nợ nần chồng chất. Thiếu tiền, Yên lại đi theo bạn bè đòi nợ thuê. Không được rồi quay sang đánh người cướp của. Chẳng mấy chốc Yên đã trở thành một kẻ giang hồ.

Từ sai lầm đó, Yên bị truy nã toàn quốc về tội cướp của. 10 năm trốn nã cũng là 10 năm tủi nhục đối với anh. Nhớ lại ngày đó, Yên rơm rớm nước mắt: “Tôi bỏ tất cả để trốn lệnh truy nã, bỏ hết gia đình, bạn bè để sống một cuộc sống chui lủi như những con thú rừng. Có những tối nhớ nhà mà chỉ dám đi ngang nhìn bố mẹ xuyên qua ánh điện của khe cửa. Đến khi tôi nhận ra được sai lầm của mình thì cũng đã quá muộn”.

Năm 1998 Yên bị bắt với bản án 10 năm tù, đây cũng là khoảng thời gian khá dài để Yên suy ngẫm về cuộc đời của mình, suy nghĩ về quá khứ mà anh đã gây ra. “Thấy tôi quyết tâm làm lại cuộc đời, các cán bộ trại giam cũng giúp đỡ tôi rất nhiều”, anh tâm sự. Người bạn duy nhất dõi theo anh khi ấy là một cây bạch đàn được trồng ngay phía cửa sổ của trại giam. Ban đầu anh không chú ý lắm vì nó chỉ là một cái mầm cây nảy tự nhiên. Những khi buồn, nhòm qua cửa sổ, anh lại gửi gắm tâm sự của mình vào những chiếc lá rung rinh, tưởng như chúng đang lắng nghe nỗi lòng mình để rồi tới ngày mãn hạn, anh chợt nhận ra người bạn bao năm của mình giờ đã to cao sừng sững. Nhớ lại quãng thời gian đưa quân đi đốn hạ nhiều cây lâu năm không thương tiếc, Yên tự nhủ sẽ quay về quê hương, trồng rừng để trả nợ.

Tay trắng trả nợ rừng

Năm 2005, sau khi được đặc xá tha tù trước thời hạn 3 năm, Yên trở về quê, bắt đầu cuộc sống với hai bàn tay trắng.

Những quả đồi trọc quanh nhà là mốc đánh dấu sự hoàn lương của anh. Anh vay mượn tiền của người thân, bạn bè rồi lên xã làm đơn xin thầu 5ha đất hoang hóa để đầu tư nuôi cá, vịt. Ngoài ra anh còn thầu thêm được 6 ha đất rừng hoang để trồng keo. Thành công chưa đến ngay được với kẻ vừa mới vào nghề nên năm đầu tiên Yên đã thất thu từ cá. Không nản trí, anh tiếp tục vay ngân hàng, đầu tư cải tạo ao hồ nuôi cá và số phận đã bắt đầu mỉm cười với anh. Có tiền, anh mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi và nhận thầu thêm rừng để trồng keo. Đến nay anh đã trồng được hơn 500 ha rừng ở hai huyện Kỳ Sơn và Cao Phong. Bên cạnh đó là 5 ha trang trại nuôi lợn, cá, vịt với tổng đàn lợn hơn 100 lợn lai lợn rừng. Hàng năm thu về 600-700 triệu tiền cá/năm, 400-500 triệu tiền lợn/năm. Dự tính cuối năm nay Yên cũng cho thu hoạch khoảng 30 ha keo tràm, ước tính số tiền lên đến hơn 2 tỷ đồng. Yên cho biết: “Ngoài số diện tích trên, đến nay chỗ nào còn đồi núi trọc tôi đều xin được đấu thầu trồng rừng. Tôi phải trồng mãi thì may ra mới trả hết được món nợ với rừng”.

Chưa dừng lại ở đó, với Yên trả nợ rừng không đơn thuần là chỉ trồng rừng mà phải làm sao giữ được khu rừng đó mãi tồn tại. Yên cũng đang dự tính trong thời gian tới anh sẽ chọn ra 70ha rừng đẹp nhất để làm khu du lịch sinh thái. “Cuộc đời tôi có hai cái nhất. Cái nhất đầu tiên là bị truy nã toàn quốc và lần sau là được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vì là một trong 66 người dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc”, anh Yên nói.

Theo tâm sự của anh thì chỉ khi nào giữ được màu xanh cho rừng, anh mới trả hết được món nợ đã gây ra với rừng.