DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Cuộc sống mới nơi chiến khu cách mạng Thạch Yên

15/08/2014 00:00
Khu căn cứ cách mạng Thạch Yên (Cao Phong) trước đây là khu căn cứ vững chắc của cách mạng tỉnh Hoà Bình và hệ thống chiến khu Hoà - Ninh - Thanh, góp một phần không nhỏ vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng tỉnh Hoà Bình. Nhưng giờ đến với chiến khu xưa Thạch Yên là sự vươn mình trên con đường đổi mới với sự nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Người dân xã Yên Thượng thu hoạch mía với giá bán tại vườn khoảng 6.000 - 8.000 đồng/cây

 Vùng Thạch Yên (Cao Phong) có địa hình hiểm trở và vị trí chiến lược quân sự quan trọng. Do đó tháng 6/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã phân công đồng chí Vũ Thơ đến tuyên truyền, giác ngộc cách mạng cho đồng bào các xã trong vùng, trọng tâm là xã Yên Lập và Yên Thượng ngày nay. Từ đó, đầu tháng 7/1945, lớp huấn luyện quân sự đầu tiên được mở tại xóm Ngái (xã Yên Lập) cho 30 tự vệ sau đó chuyển lên đồi Khánh (xã Yên Thượng). Từ nòng cốt này, lực lượng cách mạng tại Thạch Yên nhanh chóng phát triển mạnh. Sáng ngày 23/8/1945, đoàn quân khởi nghĩa của Cao Phong – Thạch Yên phối hợp với cánh quân ở Lạc Sơn xuôi dốc Cun tiến vào Phương Lâm, vượt sông Đà cùng lực lượng cách mạng khác chiếm tỉnh lỵ giành chính quyền về tay nhân dân.

69 năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, mảnh đất chiến khu Thạch Yên đã có rất nhiều đổi thay. Trước đây, đời sống của bà con Yên Thượng chủ yếu chỉ trông vào cây lúa thì hai năm gần đây, xã đã có chủ trương chuyển diện tích trồng lúa 1 vụ không ăn chắc sang trồng mía, đã chuyển được hơn 10ha trồng lúa 1 vụ không ăn chắc sang trồng mía với hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Đối với diện tích canh tác lúa còn lại, chính quyền địa phương cũng đã mạnh dạn vận động nhân dân trồng lúa lai cho năng suất cao. Vụ chiêm xuân vừa qua, toàn xã trồng được 71 ha với năng suất ước đạt gần 60 tạ/ha.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Yên Thượng được đánh giá là phù hợp với cây mía. Mía ngọt và không bị sâu. Trong 6 tháng đầu năm, toàn xã đã trồng được gần 34 ha mía (vượt 70% so với cùng kỳ) và so với kế hoạch năm thì đã đạt 99%. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, mía được giá, dao động khoảng 6.000 - 8.000 đồng/cây. Cây mía cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây lúa.Hiện nay, đời sống của người dân Yên Thượng chủ yếu trông vào nông nghiệp nên bên cạnh việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương đang vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi như vận động nhân dân thay bằng việc thả rông đại gia súc như trước đây thì chuyển sang chăn thả tại hộ gia đình để tận dụng lá mía, ngọn mía và phân; gắn chăn nuôi với trồng trọt. Hiện nay, toàn xã đã duy trì được tổng đàn trâu bò với gần 1.400 con. 

Công tác khám chữa bênh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm, đã khám và điều trị cho 446 lượt người. Trạm Y tế xã mới hoàn thiện khang trang, đồng chí Bùi Minh An, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Trạm Y tế xã mới được xây dựng vào cuối năm 2013 với tổng mức đầu tư 4,1 tỷ đồng. Trạm hoàn thành đi vào hoạt động đã đáp ứng tốt việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Bà con không phải vất vả vượt tuyến xuống huyện như trước đây. Trường Mầm non của xã cũng mới được đầu tư khởi công xây dựng. Xã phấn đấu sẽ đạt chuẩn Quốc gia về y tế vào năm 2014 và phấn đấu năm học 2014 - 2015 sẽ xây dựng được 1 trường học đạt chuẩn Quốc gia mức độ I.”

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Minh An, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết: “Phát huy truyền thống của mảnh đất anh hùng, chiến khu cách mạng, nhân dân xã Yên Thượng đã phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 11%, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 56% (năm 2012) xuống còn 51% (năm 2013), thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên mức 8,7 triệu đồng/người/năm (năm 2013) và phấn đấu đạt trên 10 triệu đồng vào năm 2014.” Hiện nay, 6 tháng đầu năm 2014hệ thống đường giao thông nông thôn, thủy lợi trên địa bàn xã đang được đầu tư xây dựng, cứng hóa; huy động làm giao thông được 556,5 ngày công, phát, dọn, nạo vét được 18,37 km, đào đắp được 51 m3 và huy động làm thủy lợi được 538 ngày công, sửa được 36 bãi tạm, phát dọn 11,94 km, đào đắp, nạo vét 51,5 m3. Trên địa bàn xã có một số công trình mới hoàn thiện, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2014 như ngầm Bến Cốc (xóm Chầm), đường xóm Đai đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống cho bà con nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị được giữ vững và ổn định, trên địa bàn không có điểm nóng, khiếu kiện đông người. Chính quyền xã thường xuyên làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những khó khăn, vướng mắc được giải quyết ngay tại cơ sở. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước, hương ước được quan tâm, các tổ dân vận ở các khu dân cư và đã đi vào hoạt động có hiệu quả./.