Một ngày đầu năm, trong không khí cả nước chào mừng thành công Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng và quyết tâm đưa Nghị quyết của Ðại hội vào cuộc sống, tôi theo quốc lộ 91 về với vùng 'Thất Sơn huyền bí'. Phương Nam đang vào đầu mùa nắng, nhưng trời vẫn se lạnh vì ảnh hưởng bởi gió mùa. Ðang vào thời điểm thu hoạch thốt nốt của đồng bào Khmer, trên các nẻo đường vào Tịnh Biên, bà con đi làm về, trên vai nặng trĩu những ống nước thốt nốt. Sản phẩm làm ra từ cây thốt nốt là thịt thốt nốt, nước thốt nốt, và nước thốt nốt nấu thành đường. Muốn lấy nước thốt nốt, bà con chặt một cây tre gai già thật dài và thẳng, mỗi nhánh để lại khoảng một gang tay rồi buộc cố định vào cây thốt nốt để làm thang leo. Khi 'lưỡi mèo' (bông thốt nốt) ra dài là lúc cắt mạch để lấy nước. Nước mật từng giọt chảy rỉ rả được hứng vào ống tre (ngày nay được thay bằng vỏ chai nước suối hoặc bình nhựa) treo ngay bên dưới 'lưỡi mèo'. Và cứ như thế, mỗi ngày bà con lấy nước thốt nốt hai lần vào sáng sớm và chiều tối.
Vào phum sóc của đồng bào Khmer hôm nay, rất dễ nhận ra bức tranh nông thôn đã hoàn toàn thay đổi. Hầu hết các tuyến đường đều được láng nhựa đi lại dễ dàng. Từ bao đời, vùng này luôn thiếu nước trầm trọng, thì nay đã được khắc phục. Cùng với nước sinh hoạt, số hộ Khmer sử dụng điện đạt hơn 90%. Bây giờ, buổi tối đến các phum sóc, đâu đâu cũng sáng ánh đèn điện. Có thể khẳng định, qua thời gian thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II và Chương trình 134, với sự hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình phúc lợi dân sinh, thì đời sống về vật chất, tinh thần và trình độ dân trí của đồng bào Khmer được nâng lên rõ rệt. Bà con ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước. Chị Neáng Kim Nol (Khóm 3, thị trấn Tri Tôn) hởn hở khoe với tôi: 'Mừng lắm chú à, vừa qua chính quyền cho tôi đi học tập huấn chăn nuôi heo, cho vay ba triệu đồng để mua heo nuôi'. Gia đình Neáng Kim Nol là một hộ nghèo, từng được địa phương xây nhà từ Chương trình 134, nay tiếp tục cho vay làm ăn để thoát nghèo, nên chị không kìm nén được niềm vui.
Gần mười năm trước đây, để vào các phum sóc của đồng bào Khmer, chỉ có một cách là đi bộ, và khi đêm về, bà con chỉ sử dụng đèn dầu, đèn đom đóm, đèn mù u leo lét, phum sóc tối om. Tới đầu năm 2010, tỉnh An Giang đã được đầu tư từ Chương trình 135 tổng cộng 163 tỷ đồng để xây dựng 305 công trình giao thông, điện, hệ thống cấp nước, chợ, trường học, trạm y tế và các công trình khác. Ðề án 881 của Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ 1.432 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tổng số vốn lên đến 40 tỷ đồng; rồi Ðề án 25 giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm, đến nay đã đầu tư hơn 111 tỷ đồng. Tỉnh còn quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đời sống, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo tại hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên với kinh phí 14 tỷ đồng. Chú Mai Văn Lợi, năm nay 75 tuổi, là người Khmer ở ấp Tân Ðông (Óc Eo, Thoại Sơn) tâm sự:
- Cảm ơn Ðảng và Nhà nước rất nhiều. Trước kia nhà tôi nghèo lắm, đâu có tiền sửa nhà, khi trời mưa là vợ chồng con cái ngồi co ro lại một góc, chờ tạnh mưa rồi mới đi thu dọn đồ đạc. Hai vợ chồng cứ làm mướn mãi mà không sao cất được căn nhà. Mấy năm trước, chính quyền cho căn nhà và còn cho vay 10 triệu để nuôi bò, trong vòng ba năm không đóng lãi. Bây giờ thì gia đình tôi đã đủ ăn không còn phải đói nữa.
Nhìn nét mặt của chú Lợi giãn ra, như ánh lên niềm tin, hòa lẫn lòng biết ơn sâu sắc, tôi hiểu, các chính sách đúng đắn của Ðảng và Nhà nước đến với những người dân nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, thật ý nghĩa biết bao. Tôi chia sẻ niềm vui với chú Lợi khi tuổi xế chiều đã được yên ổn, không còn phải lo mưu sinh từng ngày. Bà con đồng bào ở ấp Tân Ðông luôn được chính quyền địa phương quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn dạy nghề như chăn nuôi bò, heo, trồng nấm rơm, làm bong bóng cá,... đã phần nào giải quyết việc làm, nhiều gia đình đã thoát nghèo. Chú Thạch Thanh Vân, thương binh 2/4, có hai người con, một người đang học nghề, còn một người đang học đại học ở TP Long Xuyên, kể: 'Ngày xưa tôi nằm mơ cũng không được đến trường, vậy mình mới nhập ngũ, đấu tranh để giải phóng đất nước, cho con cháu mình sau này được học hành đàng hoàng, thành người có ích cho xã hội...'.
Cùng với những chính sách hỗ trợ về kinh tế - xã hội, Ðảng và Nhà nước còn chăm lo cho con em của đồng bào trên địa bàn được học hành. Tỉnh đã có Trường phổ thông Dân tộc nội trú cho đồng bào dân tộc Khmer, gồm hai cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, có dạy song ngữ Việt - Khmer trong chương trình chính khóa. Từ mái trường này, con em đồng bào Khmer đến với giảng đường đại học ngày càng đông hơn, trình độ dân trí trong đồng bào được nâng lên, đội ngũ trí thức người dân tộc không ngừng phát triển, phát huy được nội lực, làm cho phum sóc đồng bào Khmer trên đường khởi sắc. Thầy Chau Mi Ni Sóc Kha, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú, cho tôi biết: 'Ngôi trường này, không chỉ đào tạo đội ngũ trí thức cho địa phương mà còn cho những tỉnh lân cận, một số còn làm 'chuyên gia phiên dịch' cho các công ty Việt Nam sang Cam-pu-chia làm ăn. Tôi thật sự tự hào, cảm ơn Ðảng và Nhà nước đã dành nhiều chế độ đãi ngộ đối với học sinh con em đồng bào dân tộc. Tôi cũng đề nghị Ðảng và Nhà nước dành nhiều chính sách cử tuyển, dự bị đại học hơn nữa đối với con em đồng bào dân tộc Khmer vào các trường đại học, đặc biệt là các ngành khoa học tự nhiên...'.
Nhà nước còn đầu tư xây dựng hệ thống trạm y tế xã, mở lớp đào tạo cán bộ y tế người dân tộc với sự hỗ trợ toàn phần kinh phí cho học viên. Rồi nữa là giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc Khmer, phối hợp với các doanh nghiệp tạo việc làm tại chỗ, đặc biệt là việc thành lập Trường trung cấp Nghề dân tộc nội trú dành cho đồng bào dân tộc Khmer với quy mô 800 học sinh, đào tạo chín ngành nghề. Hiệu quả từ các chương trình đó đã giúp cho nhiều hộ dân tộc Khmer nghèo có nhà ở, có nghề nghiệp ổn định, phát triển chăn nuôi, tăng gia sản xuất, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Tôi theo đường kênh Tám Ngàn về xóm Khmer ở xã Bình Giang (huyện Hòn Ðất, Kiên Giang). Lại thấy đâu đâu cũng thay đổi rất nhiều, đời sống đồng bào Khmer được ổn định, 'ăn nên làm ra', không còn cảnh 'ăn bữa trước, lo bữa sau' nữa. Xóm Khmer ở đây có khoảng 300 hộ, nhà cửa khang trang, con cái được học hành đàng hoàng. Tôi gặp và hỏi chuyện chú Danh Dương, chú hân hoan và chia sẻ với tôi: 'Thật sự mà nói, sống như ngày nay là tốt rồi. Bà con Khmer ở đây đã được no ấm. Thời của tôi, nghèo xơ nghèo xác, cơm không đủ mà ăn chứ làm gì được học cái chữ. Tôi thật mừng và cảm ơn chính quyền địa phương luôn quan tâm, cho vay, dạy nghề, nhờ vậy gia đình tôi cố gắng làm ăn để nuôi con đi học'. Chú Danh Dương có sáu người con, chỉ có người con đầu là không được học, hai người đang làm tại Bệnh viện Rạch Giá, một người đang học kế toán, một người đang học đại học tại An Giang và con út học lớp 10.
Khi cuộc sống của bà con người Khmer đã được ổn định và ngày càng khấm khá thì các phum sóc, nhà chùa lại hằng ngày vang lên tiếng trống Sa dăm, tiếng nhạc ngũ âm, hòa lẫn tiếng ca và điệu múa Lâm thôn, A dây, Dù kê. Các lễ hội đặc sắc như Sen Ðônta, Chol Chnam Thmay, Oóc Om Bóc càng làm náo nức lòng người, từ đó làm nên diện mạo mới về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ.