DetailController

Văn hóa

Cúng Táo quân: văn hoá và chưa văn hoá

27/01/2011 00:00
Người Việt quan niệm rằng, ba vị thần Táo: thần đất, thần nhà, thần bếp núc định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này có được từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Vì vậy, hàng năm, đúng ngày 23 tháng chạp là ngày Táo Công lên chầu trời báo cáo những công việc đã làm được trong năm, các gia đình Việt thường tổ chức lễ cúng cá chép. Đây là tập tục đẹp tồn tại từ lâu đời, tuy nhiên, đằng sau tính nhân văn ấy vẫn còn những điều đáng bàn.
Cá chép lên chầu trời, rác còn ở lại.

 

Năm nay, không khí Tết dường như đến muộn. Mãi tới sáng 23 tháng chạp, các khu chợ mới đông người qua lại mua sắm đồ cúng ông Táo về trời. Bán chạy nhất vẫn là vàng mã, mũ, áo, hia, cá chép, các thỏi vàng làm bằng giấy… Đây được cho là những phương tiện cần thiết cho hành trình về trời thuận buồm, xuôi gió của các Táo quân.
 
Chị Vũ Thị Hương, bán hàng tại chợ Tân Thịnh cho biết: từ ngày 21 tháng chạp đã có khá đông người đi mua sắm đồ cúng ông Công, ông Táo. Tính đến hết sáng 23, cửa hàng đã bán hết gần 50 bộ đồ cúng. Thu nhập nâng cao, người dân hiện nay cũng chú trọng hơn đến đồ cúng lễ. Không đơn giản như trước đây chỉ dăm buộc giấy tiền, vàng mã, nay người dân còn mua cả áo, mũ, hia…, thậm chí cả cá chép giấy để đốt hóa vàng cho tiện. Đây cũng là cách được nhiều cặp vợ chồng trẻ lựa chọn một cách giản tiện cho phù hợp với cuộc sống hiện đại.
 
Theo quan niệm, cá chép phải thả trước giờ ngọ (trước 12h trưa). Do đó, từ khoảng 9- 10h sáng, sau khi làm lễ, các gia đình kéo nhau đi thả cá. Đây cũng là thời điểm các gia đình dọn dẹp sạch sẽ bàn thờ tổ tiên, bỏ tàn tro để các cụ mát mẻ mong một năm mới với những điều tốt đẹp hơn. Tại thành phố Hòa Bình, hầu hết người dân chọn sông Đà làm nơi tiễn Táo quân với hi vọng các ông sẽ về trời nhanh hơn. Chính vì thế mới có cảnh, cùng với hàng nghìn chiếc túi nilon đựng cá. là bàn thờ cũ, bát nhang vỡ, “cành vàng lá ngọc”… nằm lăn lóc trên cầu, mép sông. Chị Nguyễn Thị Hà O. (phường Tân Hòa- TP. Hòa Bình) cho biết: Thấy ai cũng vứt túi nilon lại nên mình cũng vứt theo. Hơn nữa, xung quanh cũng chẳng có thùng rác, muốn chấp hành đúng quy định không xả rác bừa bãi cũng khó…
 
Theo quan sát của chúng tôi, trong sáng nay (23 tháng Chạp), nhân viên bảo vệ cầu Hòa Bình phải liên tiếp túc trực dọn vệ sinh hai bên cầu với hy vọng góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị. Dọc 2 bên bờ sông đến 14h chiều cùng ngày vẫn trắng xóa nilon, tàn tro các loại. Ông Lê Văn Thông, một cư dân của làng chài ven sông Đà cho biết: Thay vì mua sắm quá nhiều đồ cúng lễ, cư dân xóm chài chúng tôi đến ngày này hàng năm đều vớt túi nilon trên sông, dọc mép sông. Với hy vọng góp phần giữ gìn cảnh quan đô thị và như một lời cảm ơn với “thần sông” sau 1 năm làm ăn thuận hòa.
 
Có lẽ, hơn ai hết, lễ cúng ông Công, ông Táo của những người dân nơi đây mới thực sự mang nhiều ý nghĩa.