Là tỉnh miền núi thứ 2 và là tỉnh thứ 13 trong cả nước hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, đến nay, Hòa Bình đã nâng mức chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Trong đó, số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 là 17.208/17.208 em, đạt tỉ lệ 100%. So với năm 2011, số học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 97.48%, tăng 4.78% và 100% trẻ khuyết tật độ tuổi 11 - 14 có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục, tăng 34%. Ngành Giáo dục hiện có 4.957 giáo viên Khối Tiểu học. Các trường học đều đảm bảo đủ số lượng giáo viên, nhân viên. 100% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo quy định. Toàn tỉnh có 3.318 lớp học; 224 trường tiểu học, Tiểu học và Trung học cơ sở, Phổ thông trung học. Các trường được xây dựng theo quy hoạch và được trang bị đầy đủ thiết bị học tập tối thiểu theo quy định như: Thư viện, phòng y tế học đường, phòng thiết bị giáo dục, phòng truyền thống và hoạt động hội,... Đảm bảo cho học sinh đi học và học tập trong môi trường an toàn, sạch sẽ và thuận tiện. Bằng sự nỗ lực của toàn ngành và sự phối hợp tích cực của đơn vị liên quan, kết thúc năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 18/28 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 6 trường đạt Chuẩn mức độ 2.
Đối với công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỉnh ta đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Cụ thể, có 46.428/47.807 thanh thiếu niên, từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở, đạt tỷ lệ 97.1%; 42.377 thanh niên, thiếu niên 15 đến 18 tuổi đang học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, đạt 88.6%; 504/536 người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 94.03%. Đội ngũ giáo viên đảm nhận nhiệm vụ công tác Khối trung học cơ sở là 4.576 người và đều đạt trình độ đào tạo theo quy định, 63.8% trong số đó đạt trình độ trên chuẩn. Toàn tỉnh hiện có 1.852 phòng học/1.728 lớp. 100% trường đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện dạy đủ các môn học của chương trình. Ngoài ra có đủ sân chơi, bãi tập với diện tích phù hợp, được sử dụng thường xuyên, an toàn, môi trường xanh, sạch, đẹp, có nguồn nước sạch, hệ thống thoát nước, có công trình vệ sinh sử dụng thuận tiện, đảm bảo vệ sinh. Đến cuối năm học 2020-2021, Khối Trung học cơ sở có 133/221 trường chuẩn quốc gia, ttrong đó có 1 trường đạt chuẩn mức độ 2.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của phổ cập giáo dục, giảm tỷ lệ lưu ban và bỏ học đối với học sinh ở những vùng khó khăn, ngành Giáo dục thường xuyên quan tâm, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để củng cố và phát triển kết quả phổ cập giáo dục. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và chất lượng dạy và học tăng dần qua các năm. Học sinh trên địa bàn tỉnh đa số là học sinh dân tộc thiểu số. Hiện nay vẫn còn tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học. Để hạn chế tình trạng trên, các cấp ủy, chính quyền đã có nhiều giải pháp để triển khai thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của mỗi công dân trong việc thực hiện phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên trong việc phụ đạo những học sinh yếu kém. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, phát huy vai trò, hiệu quả các nguồn vốn xã hội hóa giáo dục để hỗ trợ các đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể đến trường./.