Trước đây cây Cam không phải là cây trồng chính nên việc quản lý cũng có phần thiếu chế tài hay chế tài chưa đủ mạnh. Nhưng hiện nay, cây Cam đã có trong danh mục cây trồng chính do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nên việc sản xuất, kinh doanh cây giống bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia.
Cùng với đó, khâu sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm quả có múi vẫn là điểm yếu đối với tỉnh Hòa Bình mặc dù không thiếu công nghệ. Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế để hỗ trợ, khuyến khích người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất cây có múi áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới để gia tăng giá trị sản phẩm".
Để phát triển bền vững cây cam, các địa phương cần hạn chế sự phát triển nóng cây cam nhất là tại các vùng không phù hợp; tiếp tục rà soát vùng sản xuất cam hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung, tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh, gắn với công nghiệp chế biến; tập trung thâm canh, cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng, mở rộng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ và truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Bởi nếu trồng cam theo đúng quy hoạch, quy trình sản xuất tốt sẽ mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân.
Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, để sản xuất cam hiệu quả, ngành nông nghiệp các địa phương cần khuyến cáo nhà vườn lựa chọn sử dụng giống có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời sản xuất theo cơ cấu giống rải vụ thu hoạch, có chất lượng, ít hạt hoặc không có hạt, chống chịu sâu bệnh hại; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khuyến cáo người dân sử dụng giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giống bảo đảm chất lượng, sạch bệnh; không sử dụng giống trôi nổi./.