Đến nay, sau 20 tháng triển khai Nghị định số 84/2009/NĐ - CP được áp dụng thay thế Nghị định 55/2007/NĐ-CP ban hành ngày 6/4/2007 về kinh doanh mặt hàng xăng dầu, số cột bơm xăng mini trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại và chưa biết đến bao giờ mới được dẹp bỏ?
Quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ - CP nêu rõ: Đối với các cửa hàng xăng dầu, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu phải đáp ứng 3 điều kiện: địa điểm cửa hàng phù hợp với quy hoạch được phê duyệt; được xây dựng và có trang thiết bị đúng quy định hiện hành; cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Trên thực tế, việc kinh doanh của các cột bơm xăng mi ni không đáp ứng được các điều kiện này đồng nghĩa với lỗi vi phạm.
Kết quả rà soát tại thời điểm bắt đầu triển khai Nghị định 84/2009/NĐ CP, toàn tỉnh có 303 điểm bán lẻ xăng dầu cột bơm mini, tập trung nhiều nhất ở địa bàn các huyện Đà Bắc (69 cột bơm), Kim Bôi (74 cột bơm), Lạc Thủy (40 cột bơm). Trên cơ sở thống kê, rà soát, lực lượng QLTT đã phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, nhắc nhở, đồng thời yêu cầu các hộ kinh doanh xăng thực hiện cam kết không bán bằng cột bơm xăng mini với hình thức tự nguyện bỏ. Tuy 100% hộ đã ký cam kết nhưng từ đó đến nay, các điểm bán xăng cột bơm mini vẫn hoạt động lúc lén lút, lúc công khai. Lực lượng QLTT tỉnh đã xử phạt hành chính và tịch thu hàng trăm cột bơm, song tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Được biết, từ đầu những năm 2000, cột bơm xăng mini do thợ cơ khí miền xuôi sáng chế đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Cột có cấu tạo gồm 3 bộ phận chính là bình chứa xăng được làm bằng tôn, dung tích 40 lit, máy bơm xăng và bình thủy tinh đo xăng. Trước khi bán hàng, chủ các cột bơm bơm xăng từ bình chứa lên bình thủy tinh, thông qua dây dẫn bằng cao su và súng bơm xăng trước khi xăng được đổ vào bình chứa xăng xe của khách. Thoạt nhìn, quy trình vận hành của các cột bơm này khá thuận tiện. Tuy vậy, kiểu hình thức kinh doanh này luôn chứa đựng những ẩn họa, rủi ro. Với giá cả tương đối mềm (từ 800.000 - 900.000 đồng/chiếc), các hộ gia đình buôn bán hàng tạp hóa thường mua về để kinh doanh thêm mặt hàng xăng. ông chủ một cột bơm xăng mini trên đoạn đường địa phận xã Tân Minh (Đà Bắc) cho biết: Gia đình đã sử dụng cột bơm bán xăng cho khách được gần 2 năm nay. Trước đây dùng can, chai đổ xăng cho khách rất cách rách, giờ thấy thuận tiện hơn nhưng nhiều lúc lại lo ngay ngáy, nhất là vào mùa thời tiết nắng nóng, áp suất trong bình chứa xăng tăng, xăng tự động đùn lên bình thủy tinh và bốc hơi, dễ xảy ra nguy cơ cháy nổ.
Theo ông Nguyễn Đình Khanh, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, để kinh doanh dịch vụ này, cá nhân, tổ chức trước tiên phải hoàn chỉnh các loại giấy tờ bắt buộc như: giấy phép phòng cháy, chữa cháy, chứng nhận kiểm định các thiết bị của trụ bơm, giấy chứng nhận nghiệp vụ công nhân kỹ thuật, xác nhận tác động môi trường... Song trên thực tế, hộ kinh doanh không tuân thủ các quy định này. Không những các hộ không có giấy phép kinh doanh mà còn sai tiêu chuẩn về đo lường, tăng giá tùy tiện đối với mặt hàng này. So sánh mức đo 1 lít xăng tại các cột bơm mini chỉ tương đương 0,8 - 0,9 lít tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chính ngạch.
Trả lời câu hỏi tại sao hoạt động kinh doanh cột bơm xăng mini vi phạm các quy định pháp luật nhưng đến nay vẫn chưa được dẹp bỏ, Chi cục trưởng Chi cục QLTT thừa nhận: ở địa bàn thành phố Hòa Bình gần như đã không còn diễn ra loại hình kinh doanh này. Tuy vậy, nếu về các huyện vùng cao, sâu, xa, kiểu kinh doanh này vẫn còn khá phổ biến. Nguyên nhân xuất phát bởi hệ thống xăng dầu hiện có chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu dân sinh. Đặc biệt là ở nhiều vùng sâu, xa trong tỉnh, giao thông đi lại khó khăn, việc tồn tại số cột bơm xăng mini phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân, hạn chế những khó khăn trong đi lại, cung ứng. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cân nhắc nên hay không nên mạnh tay trong xử lý vi phạm, dẹp bỏ các cột bơm xăng.
Biện pháp can thiệp đối với các hộ kinh doanh mặt hàng này đang được lực lượng QLTT áp dụng là tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý tại những điểm tập trung đông người. Đối với các hộ kinh doanh cũ và mới phát sinh ở địa bàn vùng khó khăn, ở cách xa các điểm bán lẻ xăng dầu Nhà nước, tập trung tuyên truyền, nhắc nhở để hộ kinh doanh có ý thức đảm bảo an toàn PCCN cho bản thân và cộng đồng. Khi hệ thống các cửa hàng kinh doanh mặt hàng xăng dầu được hoàn thiện, mở rộng hơn đến các địa bàn, hoạt động của các cột bơm xăng mini mới có đủ điều kiện để dẹp bỏ.