Xác định rõ gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội. Trong những năm qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh quan tâm xây dựng gia đình văn hóa được hết sức coi trọng. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá được triển khai sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác gia đình trong những năm qua các cấp các ngành trong tỉnh đã quan tâm triển khai các mô hình trọng điểm với mục tiêu tiến tới nhân ra diện rộng. Tiêu biểu đó là các mô hình: Mô hình xã, phường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện mới tệ nạn ma tuý, mại dâm và cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm, hoà nhập cộng đồng cho người nghiện ma tuý, mại dâm; Mô hình phòng chống bạo lực gia đình; Mô hình củng cố gia đình văn hoá; Mô hình tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam... Bước đầu các mô hình này đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần khơi dậy những giá trị văn hoá tốt đẹp, những chuẩn mực đạo đức quý báu vốn có trong gia đình Việt Nam, hạn chế những tiêu cực, tai tệ nạn và có hướng giải quyết tích cực cho những gia đình có đối tượng nghiện ma tuý, mại dâm... tại các địa phương có mô hình đang triển khai.
Thực hiện mục tiêu gia đình theo tiêu chí ít con (Mỗi cặp vợ chồng có 1 đến 2 con), công tác dân số kế hoạch hoá gia đình trong những năm qua đã đạt được những thành tích đáng kể. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ (18 đến 49 tuổi) thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt cao (năm 2005 đạt tỷ lệ 76,8% đến năm 2009 đạt 78%). Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm dần qua các năm (năm 2005 chiếm 10,3% đến năm 2009 còn 4,45%). Số phụ nữ mang thai được chăm sóc tại cơ sở y tế ngày càng tăng. Tập quán sinh con tại nhà ở một số nơi vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đã giảm nhiều. Có thể nói công tác dân số kế hoạch hoá gia đình tỉnh Hoà Bình trong những năm qua đã đạt được mục tiêu đề ra: tỷ lệ giảm sinh hàng năm đạt 0,3%o; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,07% (Hoà Bình là 1 trong 23 tỉnh có mức sinh thấp theo xếp loại của Tổng cục Dân số- KHHGĐ).
Trước tình hình những mặt trái của nền kinh tế thị trường đang ngày một tác động đến đời sống gia đình, ở góc độ nào đó đã phá vỡ nề nếp, đạo đức của gia đình truyền thống: tình trạng ly hôn, ly thân; quan hệ tình dục trước hôn nhân; nạo phá thai trong giới trẻ; các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, mại dâm và dịch HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào gia đình; mâu thuẫn giữa các thế hệ về ứng xử, lối sống; tình trạng bạo lực gia đình ngày càng phổ biến.... Để hạn chế những mặt trái đó, phong trào xây dựng gia đình văn hoá được tỉnh Hoà Bình coi là một giải pháp đóng vai trò quan trọng. Đến nay phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã được triển khai sâu rộng đến 100% các xã, phường trong toàn tỉnh. Ý thức của nhân dân về việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, nề nếp đạo đức lối sống gia đình ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy đã hạn chế được các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, tình trạng bạo lực trong gia đình cũng giảm đáng kể; mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được củng cố chặt chẽ, khăng khít; tình làng nghĩa xóm ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các vùng thành thị gần gũi, cởi mở hơn trước... Ngày càng nhiều gia đình văn hoá, khu phố văn hoá, làng văn hoá, cụm dân cư văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hoá của tỉnh Hoà Bình liên tục tăng trong 5 năm qua: Năm 2005: có 102.621/169.034 hộ, bằng 60,7%. Năm 2009: có 132.500/173.876 hộ, bằng 76,2%.
Để nâng cao đời sống vật chất của các hộ gia đình, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, huy động mọi nguồn lực để nâng cao đời sống cho nhân dân, phấn đấu nâng cao mức thu nhập bình quân để giảm tỷ lệ hộ nghèo, không để xảy ra tình trạng hộ đói. Trong các giải pháp phát triển kinh tế, tỉnh đặc biệt quan tâm đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Tăng cường hỗ trợ cho vay vốn với lãi xuất ưu đãi đối với các hộ thuộc diện nghèo. Thực hiện đúng và đủ các chế độ, chính sách của nhà nước đối với số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh... Nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm rõ rệt trong những năm qua (năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,31% trong tổng số hộ gia đình toàn tỉnh, đến 6 tháng đầu năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 14%).
Thực hiện chủ trương nhà nước và nhân dân tích cực xoá nhà tạm, trong những năm qua tỉnh Hoà Bình đã đạt được những kết quả đáng kể. Năm 2005 toàn tỉnh đã xoá được 3.600/14.457 nhà tạm. Năm 2006 xoá được 3.600/10.857 nhà tạm. Năm 2007 xoá được 7.257/7257 nhà tạm tương đương 100%. Từ năm 2008 tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xoá nhà tạm theo tiêu chí mới. Các chế độ phúc lợi dành cho người dân nói chung cũng được nâng cao. Đến năm 2010 số hộ dân được sử dụng điện đạt 95%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 80%; 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 73% xóm, bản trong toàn tỉnh có nhà văn hoá...