
Để thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, tỉnh đã ban hành đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết, chương trình hành động, Quy định, Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo, điều hành, báo cáo trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường,... Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển vật liệu xây dựng phù hợp với Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế- xã hội của địa phương. Từ năm 2022 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Quy hoạch nguyên liệu sản xuất vôi, bột nhẹ cho Nhà máy xi măng Xuân Thiện Hòa Bình tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy với diện tích 68 ha; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 3 Giấy phép khai thác đá vôi, 4 Giấy phép khai thác đá sét và 8 Giấy phép thăm dò làm nguyên liệu xi măng; Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép cho 3 đơn vị khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng 6.000.000 m3; năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã Quyết định phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường triên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2019, tầm nhìn đến năm 2024. Trong đó, bổ sung 23 vị trí mỏ đất san lấp, tổng diện tích hơn 550 ha với trữ lượng khoảng 142 triệu m3. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 90 điểm mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.
Hoạt động khai thác khoáng sản không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận; mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Tổng số lao động phục vụ trong hoạt động khoáng sản của các đơn vị đạt khoảng 2.510 lao động. Trong đó có 2.000 lao động địa phương, đạt tỷ lệ 80%. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 120 triệu/người/năm. Hằng năm, hoạt động khai thác khoáng sản đã đóng góp vào thu ngân sách cho địa phương đạt khoảng 150 tỷ đồng.
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản được các sở, ngàn quan tâm, hướng dẫn cụ thể khi có những thay đổi trong quy định của pháp luật, hoặc có sự chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan Trung ương và sự chỉ đạo của tỉnh. Hàng tháng, Sở Xây dựng công bố giá vật liệu xây dựng, hướng dẫn công tác lập quy hoạch đất san lấp, đất sét làm gạch ngói cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh để bổ sung vào quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng tỉnh.
Việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản được thực hiện đầy đủ. Trong đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các thủ tục thuê đất đối với Nhà nước, bao gồm: Diện tích khai thác mỏ, diện tích bãi chế biến và công trường thi công phụ trợ với tổng diện tích 648 ha. Đa số các mỏ thực hiện thiết kế đường để đưa máy móc, thiết bị hoặc người lên khai thác, đảm bảo an toàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 64 Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để phục vụ khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các đơn vị cần chấp hành nghiêm quy định về kho chứa vật liệu nổ. Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên rà soát các các khu vực khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng, đóng cửa mỏ khoáng sản.
Các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã mang lại hiệu quả nhất định về phát triển kinh tế- xã hội. Sử dụng tối đa nguồn nhân lực tại chỗ, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp thực hiện phát triển sản xuất trên địa bàn. Các đơn vị đã tích cực ủng hộ cho việc xây dựng, nâng cấp, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công trình phúc lợi cho Nhân dân địa phương, nơi có hoạt động khai thác khoáng sản./.