Với chức năng quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động đường thủy trên địa bàn, trong thời gian qua tỉnh ta đã quán triệt đến các Ban quản lý bến, cảng các đơn vị vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động đường thủy như: Ban hành văn bản số 1831/SGTVT-QLVT ngày 05/12/2014 về việc đảm bảo giao thông vận tải phục vụ vận chuyển hành khách trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2015; văn bản số 431/SGTVT-QLVT ngày 25/3/2015 về việc tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển khách bằng phương tiện thủy nội địa, triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động đường thủy như văn bản số 215/SGTVT-QLVT ngày 06/2/2015 về việc tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn phương tiện thủy nội địa; văn bản số 453/SGTVT-QLVT ngày 26/3/2015 hướng dẫn thực hiện Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT về đăng ký phương tiện thủy nội địa... Qua đó, nhận thức và ý thức của các chủ phương tiện, bến bãi và hành khách tham gia giao thông đường thuỷ đã có chuyển biến tích cực. Trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo an toàn, không có sự cố và tai nạn nghiêm trọng xảy ra, đảm bảo an toàn về người và tài sản tham gia trên các tuyến đường thuỷ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Ban quản lý bến thường xuyên phối hợp với Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II tại Hòa Bình kiểm tra các điều kiện của phương tiện neo đậu tại bến trước khi cho phép xuất bến. Trong nhiều năm liền không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy do các tàu thuyền xuất bến tại bến. Từ đầu năm 2015 đến nay đã tiến hành kiểm tra và phạt vi phạm hành chính 23 phương tiện, thu 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra hoạt động vận tải thủy trên hồ Hòa Bình còn có một số hạn chế như: Số lượng tàu thuyền đã đăng ký và đăng kiểm theo quy định chiếm tỷ lệ thấp. Nguyên nhân chính của việc không đăng kiểm, đăng ký được với những phương tiện bắt buộc phải đăng kiểm, đăng ký là do người dân sử dụng tàu thuyền đóng theo dân gian, hoặc có những phương tiện đã đăng kiểm, đăng ký lần đầu nhưng do trong quá trình hoạt động người dân sửa chữa không có thiết kế, hoặc do tiêu chuẩn kiểm định có những thay đổi nên phương tiện không đăng kiểm lại được. Để sửa chưa, cải tạo tàu thuyền đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định các hộ dân phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn, trong khi điều kiện kinh tế các hộ dân còn nhiều khó khăn, các phương tiện chỉ cần đăng ký, không cần đăng kiểm là những phương tiện nhỏ, chủ yếu phục vụ đi lại của gia đình người dân trên lòng hồ nên nhân dân chưa quan tâm đến việc phải đăng ký, đăng kiểm phương tiện.
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với các nội dung phù hợp từng đối tượng. Tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, người lái không đủ bằng, chứng chỉ chuyên môn trong vận chuyển hành khách, hàng hóa trên vùng lòng hồ sông Đà. Tiếp tục đẩy đẩy mạnh việc liên kế, phối hợp trong công tác đăng ký, đăng kiểm để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong đăng kiểm phương tiện hoạt động trên vùng hồ Hòa Bình nhằm đưa phương tiện đảm bảo an toàn kỹ thuật, được cấp giấy chứng nhận kiểm định vào vận chuyển hành khách, làm cơ sở để đầu tư phát triển hoạt động vận tải thủy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.