Trong năm, trên địa bàn tỉnh bệnh dịch tả lợn Châu phi xảy ra tại 796 hộ, 173 thôn, 68 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố; tổng số lợn ốm chết và tiêu hủy 4.973 con; tổng trọng lượng 269.930 kg (hiện nay còn 37 xã của 8 huyện đang có dịch). Bênh lở mồm long móng xảy ra tại 18 xã (18 ổ dịch) tại 7 huyện Kim Bôi, Cao Phong, Lạc Thủy, Mai Châu, Yên Thủy, Lạc Sơn và thành phố Hòa Bình; tổng số gia súc (trâu, bò) mắc bệnh là 290 con; 4 con bê, ngành chết. Dịch cúm gia cầm A (H5N6) xảy ra trên địa bàn xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, đã tiêu hủy 12.250 con gia cầm các loại. Bệnh dại xảy ra tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, làm 01 người tử vong; toàn tỉnh có 1.525 người bị chó, mèo cào cắn phải đi tiêm phòng điều trị phơi nhiễm với bệnh dại tại các cơ sở y tế trong tỉnh.
Khi xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu phi, tỉnh thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt như cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; sử dụng thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, cơ sở chăn nuôi để bảo đảm áp dụng hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi; chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh dịch tả lợn Châu phi để cảnh báo và có cơ sở triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh; tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh; kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện bệnh, tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiêm dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu phi; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường làm phát sinh nguy cơ dịch bệnh lây lan; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh theo quy định. Đối với bệnh lở mồm long móng, thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cho 100% số gia súc trong ổ dịch và các xã giáp ranh. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi thu gom chất độn, chất thải tại chuồng nuôi có gia súc bị bệnh, xử lý bằng cách đốt, ủ, dùng vôi bột rắc nền và xung quanh chuồng nuôi, phun thuốc khử trùng tiêu độc bằng hóa chất sát trùng tại các địa phương có dịch.
Bên cạnh đó, tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch và phòng bệnh cho toàn bộ đàn gia cầm vùng có nguy cơ mắc bệnh cúm gia cầm A (H5N6); chủ động thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và chuồng trại chăn nuôi với tần suất 1 lần/ tuần; hướng dẫn các địa phương, cơ sở chăn nuôi chủ động xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh CGC để phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Tổ chức phát động tháng cao điểm tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo vào tháng 3 - 4 và thàng 9 - 10, đồng thời thường xuyên tiêm phòng bổ sung cho chó, mèo mới phát sinh; đảm bảo 100% chó, mèo trong diện tiêm được tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho người chăn nuôi về lợi ích của việc phòng, chống dịch bệnh đối với sản xuất chăn nuôi; tuyên truyền về các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh gắn với an toàn thực phẩm chất lượng cao. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển, cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra phát hiện việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi. Ngành Y tế tăng cường giám sát sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là trong vùng có dịch./.