Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc tăng hàng năm. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác trẻ em được đẩy mạnh, nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được can thiệp, hỗ trợ. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về trẻ em được tăng cường, các vụ việc vi phạm quyền trẻ em được xử lý kịp thời.
Ở nước ta, nhiều văn bản pháp luật, chính sách dành cho trẻ em đã có hiệu lực thi hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo địa phương đối với lĩnh vực trẻ em, đó là Luật trẻ em; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Quyết định số 856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em và nhiều chương trình, kế hoạch của tỉnh tập trung chỉ đạo về công tác trẻ em…Tất cả các văn bản pháp luật, chính sách nêu trên đều nhằm mục tiêu bảo vệ trẻ em tốt hơn, bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em, đồng thời thể hiện những cam kết của Việt Nam khi phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Trên cơ sở đó, tỉnh Hòa Bình đã vào cuộc, quan tâm mạnh mẽ tới công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với con em mình.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học vẫn còn xảy ra và có xu hướng ngày càng gia tăng, gây tổn hại lớn đến sức khỏe, tinh thần và thể chất của trẻ. Nhất là đối với trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, trong gia đình có người nghiện rượu…Các bậc cha mẹ ít dành thời gian quan tâm, trò chuyện với con cái vì vậy cơ hội giáo dục con cái cũng bị mất đi, không hiểu rõ con mình, không phát hiện những bất thường trong thái độ hành vi của con để uốn nắn kịp thời. Ngoài ra xu hướng bạo lực từ một số thầy, cô giáo trong nhà trường đã ảnh hưởng đến tinh thần học sinh, làm lệch lạc chuẩn mực đạo đức xã hội. Hình thức bạo hành trong nhà trường từ phía thầy, cô giáo đối với học sinh thể hiện qua các vụ việc báo chí đề cập thời gian qua. Ngoài những nguyên nhân từ phía người lớn, trong nhiều trường hợp cũng xuất phát nguyên nhân từ các cháu. Nhiều cháu đang ở lứa tuổi vị thành niên, dễ bị bạn bè kích động, lôi kéo, làm trái lời dạy của cha mẹ, thầy cô nên rất khó quản lý. Nhiều cháu học sinh còn có hành vi sử dụng chất gây nghiện, nghiện game, bỏ bê việc học tập, sống khép kín, ít giao tiếp với bố mẹ, khi được khuyên nhủ, răn dạy thì thường cáu gắt, cãi lại, gây bức xúc cho cha mẹ, thầy cô dễ dẫn đến bạo lực đối với các cháu. Theo số liệu điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng bạo lực học đường và vi phạm pháp luật của trẻ em do Công an tỉnh cung cấp, năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 49 vụ vi phạm pháp luật với 77 đối tượng gây ra. Tại một số gia đình, tình trạng trẻ em bị bạo hành do chính cha, mẹ, người thân gây ra. Nhiều bậc phụ huynh coi việc đánh đập, chửi mắng, xúc phạm con cái khi chúng mắc lỗi là cần thiết và nên làm mà không quan tâm đến cảm xúc, tâm lý của trẻ. Có thể nói, bạo lực thân thể không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tinh thần của trẻ mà về lâu dài còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nhân lực của đất nước, thậm chí tạo gánh nặng cho xã hội trong tương lai.
Vì vậy, trong thời gian tới để chấm dứt tình trạng bạo lực đối với trẻ em, hướng tới sự phát triển toàn diện của trẻ cần sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật trẻ em, các Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ về công tác trẻ em; Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 20/10/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em…Có kế hoạch hưởng ứng sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học, cần bạn, cần tôi, cần cả thế giới” tại địa phương. Tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại cho trẻ em; hướng dẫn kỹ năng sử dụng các biện pháp kỹ thuật tích cực cho cha mẹ, chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, những người trực tiếp làm việc với trẻ. Tiếp tục kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Bảo vệ trẻ em các cấp; duy trì và phát huy tốt vai trò, chức năng của các Văn phòng tư vấn trẻ em, điểm tư vấn cộng đồng và điểm tư vấn trường học; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để mọi người ngân và trẻ em liên hệ khi có nhu cầu. Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn nhằm cải tạo môi trường sống đảm bảo an toàn phòng, chống bạo lực, xâm hại cho trẻ em. Tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chính sách về trẻ em và thực hiện quyền trẻ em; đặc biệt là kiểm tra việc thực hiện các quyền trẻ em tại những nơi tập trung đông trẻ em như: trường học, nhóm trẻ gia đình, các trường mẫu giáo dân lập trên địa bàn…xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.