Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra các trận lũ ống, lũ quét; trong khi người dân sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa còn hạn chế trong kỹ năng ứng phó với lũ, bão và các vụ tai nạn liên quan đến sông nước, sạt lở đất đá, đặc biệt một bộ phận nhân dân vẫn có tập quán đốt nương làm rẫy dẫn đến cháy rừng. Do vậy, đặt ra yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bám sát thực hiện các quy định pháp luật, gắn trách nhiệm các chủ thể quản lý trong việc đảm bảo an toàn PCCC, hạn chế thấp nhất các vụ cháy, tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay toàn tỉnh có trên 22 nghìn cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Trong thời gian từ 15/8/2022 đến 14/7/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy, làm 01 người chết, 03 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 3,55 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 09 vụ cháy, tăng 01 người chết, tăng 03 người bị thương, giảm 170 triệu đồng thiệt hại về tài sản. Không xảy ra vụ nổ; so với cùng kỳ năm 2022, không tăng, không giảm số vụ nổ.
Về nguyên nhân cháy: 05 vụ do sự cố hệ thống và thiết bị điện (chiếm 26,32%); 03 vụ do sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (chiếm 15,79%); 01 vụ do đốt (chiếm 5,26%); 10 vụ chưa rõ nguyên nhân (chiếm 52,63%%). Thành thị xảy ra cháy 05 vụ (chiếm 26,32%); nông thôn xảy ra 14 vụ (chiếm 73,68%). Kinh tế tư nhân xảy ra 13 vụ; kinh tế nhà nước xảy ra 06 vụ. Có 06 vụ cháy nhà dân; 01 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; 03 vụ cháy phương tiện giao thông; 01 vụ cháy cơ sở giáo dục; 01 vụ cháy trụ sở làm việc; 06 vụ cháy rừng; 01 vụ cháy loại hình cơ sở khác. Số vụ sự cố liên quan đến cháy là 15 vụ (là các vụ chập cháy thiết bị điện trên cột điện).
Qua số liệu phân tích thống kê cho thấy, trong thời gian qua, địa bàn xảy ra cháy đa số thuộc khu vực nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố điện, sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Một trong những yếu tố dẫn đến nguyên nhân nêu trên là do nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân về công tác PCCC còn hạn chế, chưa nắm được những kiến thức cơ bản về công tác PCCC, còn chủ quan trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện.
Trong thời gian từ 15/8/2022 đến 14/7/2023, trên địa bàn xảy ra 02 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng (chiếm 10,53% số vụ cháy; thiệt hại về tài sản chiếm 42,45% tổng thiệt hại các vụ cháy).
Trong công tác cứu nạn, cứu hộ, trên địa bàn tỉnh xảy ra 09 vụ tai nạn, sự cố thuộc phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, làm 06 người chết, 04 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 06 vụ tai nạn, sự cố, giảm 04 người chết, không tăng, không giảm số người bị thương. Trong đó, nguyên nhân 05 vụ do đuối nước (chiếm 55,56%), 02 vụ do tai nạn giao thông (chiếm 22,22%), 01 vụ người dân bị cô lập do mưa bão (chiếm 11,11%), 01 vụ mắc kẹt khi đang bơi (chiếm 11,11%). Có 04 vụ việc xảy ra tại địa bàn thành thị (chiếm 44,44%), 05 vụ xảy ra ở nông thôn (chiếm 55,56%). Lực lượng CNCH thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trực tiếp, phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng tổ chức cứu hộ 148 người dân bị cô lập bởi nước lũ di chuyển đến nơi an toàn. Các vụ việc trong thời gian qua chủ yếu là tai nạn đuối nước, tập trung tại các địa bàn có nhiều ao hồ, sông suối. Nguyên nhân đa phần do một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của tai nạn đuối nước, đồng thời chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng phòng tránh.
Thời gian qua, công tác CNCH của lực lượng PCCC trên địa bàn tỉnh đã được duy trì triển khai thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt công tác thường trực 24/24h, sẵn sàng CNCH trên địa bàn toàn tỉnh; thường xuyên huấn luyện, nâng cao nghiệp vụ CNCH. Lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành, dân phòng và quần chúng nhân dân đã tích cực phối hợp với lực lượng Công an, sẵn sàng tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Qua đó, đã kịp thời khắc phục, giảm thiểu hậu quả do tai nạn, sự cố gây ra.
Dự báo thời gian tới, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, sẽ có nhiều nhà máy, xí nghiệp được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, hình thành nhiều hơn nữa các khu đô thị mới, khu du lịch, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, sẽ làm gia tăng việc sử dụng điện, nguyên vật liệu, máy móc, hàng hóa và chất dễ cháy, đây là những yếu tố, điều kiện dẫn đến nguy cơ cháy, nổ, tai nạn trong lao động, sản xuất, kinh doanh. Tình hình cháy, nổ tại các khu dân cư vẫn diễn biến phức tạp, có nguy cơ xảy ra nhiều vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các hộ gia đình và các nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Hạ tầng giao thông sẽ được quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp các tuyến đường bộ mang tính kết nối vùng và các bến cảng phục vụ phát triển du lịch, sẽ gia tăng các phương tiện giao thông, trong đó có các phương tiện vận chuyển chất hàng nguy hiểm cháy, nổ và vận tải hành khách…tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, cháy, nổ các phương tiện giao thông; cháy, nổ tại bến cảng, làng chài ven sông. Bên cạnh đó, dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, dự báo thời gian tới tình hình cháy rừng, nguy cơ sạt lở đất, đá, công trình, tai nạn dưới nước do lũ ống, lũ quét gây ra sẽ rất khó lường. Do đó đòi hỏi phải nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, chính quyền địa phương, cơ quan đơn vị trong tổ chức giải pháp đảm bảo an toàn PCCC, đáp ứng yêu cầu theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý, ứng phó kịp thời hiệu quả các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra./.