Trong những năm qua, các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện Quy chế quản lý đô thị theo Quyết định số 2431/QĐ-UBND, ngày 04/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị, các tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong giao tiếp, ứng xử ở cơ quan, công sở và nơi công cộng; nếp sống văn minh trong việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; văn minh đô thị trong quản lý, sử dụng đất đai, vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp; văn minh trong sản xuất, kinh doanh; văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.... Trong 3 năm, UBND tỉnh đã thực hiện thẩm định Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; dự toán công ích đô thị thành phố Hòa Bình; 06 Đề cương, nhiệm vụ Chương trình phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 1620-QĐ/TU, các quy định thực hiện văn minh đô thị để người dân tự nguyện tháo dỡ các bục bệ, mái che, mái vảy, biển quảng cáo sai quy định tại các tuyến phố... Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời, quyết liệt những công trình xây dựng trái phép, không đảm bảo an toàn; nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường tạo cảnh quan sạch đẹp tại địa phương cơ quan đơn vị; Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, đặt biển quảng cáo và xe đỗ đậu trái quy định, tập trung trên một số tuyến trục đường chính của Thành phố Hoà Bình, huyện Lương Sơn....
Tổ chức cho các hộ dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn, thôn, bản ký cam kết chấp hành tốt quy chế quản lý đô thị, các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, thực hiện hương ước, quy ước...; đăng ký "Gia đình văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa", “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; xây dựng các mô hình như tuyến phố văn minh đô thị, khu dân cư không rác, . Đồng thời tăng cường tổ chức lực lượng ra quân kiểm tra, xử lý lập lại trật tự đô thị; tổ chức cưỡng chế, xử lý, giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ; chợ tự phát. Đến nay đã có trên 90% hộ dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; 90% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn, quy định về môi trường; 95% biển quảng cáo được lắp đặt đúng quy định; 100% cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp xây dựng và tổ chức thực hiện tốt “Quy chế văn hóa nơi công sở”.
Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh được quan tâm, hệ thống đường bộ đã được đầu tư đảm bảo giao thông thông suốt, đặc biệt một số tuyến giao thông quan trọng mới được hình thành đã tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp và đô thị. Cùng với đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, công viên cây xanh, điện chiếu sáng đô thị, hệ thống camera tại các tuyến phố, trục đường chính, hệ thống biển báo trật tự giao thông, các biển đỗ, đón, đậu xe được quan tâm lắp đặt.
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị, bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, môi trường. Công khai và tranh thủ lấy ý kiến của nhân dân tham gia bàn bạc và đóng góp vào các chủ trương, nhiệm vụ phát triển và quản lý đô thị như: Duy trì trật tự vệ sinh, cảnh quan môi trường vệ sinh, sạch đẹp, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, cải tạo đường ngõ, tháo dỡ các công trình lấn chiếm mở rộng hè đường… qua đó góp phần hình thành và nâng cao ý thức, trách nhiệm, nếp sống văn minh đô thị của người dân. Thực hiện tốt việc tiếp công dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị chính đáng của nhân dân, đồng thời nghe ý kiến hiến kế của nhân dân đối với công tác quản lý, điều hành các hoạt động của nhà nước, trong đó có vấn đề liên quan đến công tác quản lý, xây dựng đô thị.
Trong 03 năm, UBND các cấp đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp trên 1134 cuộc với nhân dân, cán bộ, công chức viên chức và người lao động liên quan đến các vấn đề về giải phóng mặt bằng, xây dựng, quản lý đô thị... Công an tỉnh tiếp tục duy trì 1.792 hòm thư góp ý đặt tại trụ sở, các đơn vị và tại các làng bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã nhận được trên 1000 thư góp ý, tố giác tội phạm và 13 thư khen ngợi của quần chúng nhân dân. Tất cả ý kiến góp ý và đơn tố giác của quần chúng nhân dân đã được Công an các đơn vị xác minh làm rõ đảm bảo đúng quy định, bí mật, và đảm bảo an toàn cho quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm giữ vững ANTT tại cơ sở. Chủ trì tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng thí điểm “Phường điển hình, kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị” giai đoạn 2022 - 2025 tại phường Tân Hòa, TP Hòa Bình từ tháng 8/2022. Đến nay, sau 01 năm triển khai đã đạt được một số kết quả cụ thể sau: Ra mắt 14 tổ liên gia PCCC, 64 điểm chữa cháy công cộng, vận động 629 hộ dân mở lối thoát hiểm thứ hai; nhắc nhở 465 trường hợp, 40 hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tháo dỡ 20 bạt che lấn chiếm vỉa hè; chỉnh trang, thay thế 27 bóng đèn chiếu sáng đô thị, lắp đặt 08 mắt Camera tại các tuyến đường chính và trung tâm; thành lập Đội dân phòng tham gia thực hiện PCCC tại cơ sở với 80 thành viên; tổ chức ký cam kết đảm bảo PCCC cho 75/75 hộ gia đình ở kết hợp kinh doanh, 1805/1805 hộ gia đình trên địa bàn phường. Thành lập 05 mô hình về ANTT và Đô thị văn minh: “Camera khu dân cư, doanh nghiệp, nhà trường đảm bảo ANTT”, “Khu dân cư đảm bảo phòng cháy chữa cháy và trật tự đô thị”, “Triển khai dịch vụ công trực tuyến”, “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người trong diện tái hòa nhập cộng đồng”; “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”…/.