Hòa Bình tuy không phải là cội nguồn của văn hóa cồng chiêng nhưng không phải vì thế mà nơi đây thiếu vắng sự xuất hiện của nó. Trái lại Cồng chiêng luôn có mặt trên mảnh đất này, nó hiện hữu trong cuộc sống của con người nơi đây. Sẽ rất dễ dàng để thấy hình ảnh của Cồng Chiêng trong bất kỳ một dịp lễ hội, ngày vui nào. Nó như "một linh vật ", gần gũi với mỗi người dân và được ví như một biểu tượng văn hóa của dân tộc Mường nói riêng. Cồng chiêng thường được đặt ở những nơi thiêng liêng và trang trọng nhất trong ngôi nhà, thường được đem "khoe" mỗi khi có khách quý ghé thăm gia đình. Người Mường không bao giờ úp chiêng lên nền nhà, nền đất vì sợ bị "lùn " chiêng (chiêng bị mất tiếng, tiếng Chiêng không còn được hay). Chiêng được truyền lại qua các đời, con cái nhỏ tuổi trong gia đình được học cách đánh chiêng, gìn giữ Cồng Chiêng lại cho thế hệ sau. Lễ hội cồng – chiêng là một nét đặc sắc trong văn hóa của người Mường. Nó gần như là máu thịt và thân thuộc như hiệu lệnh của làng, bản. Nó như tâm hồn của người dân Mường đã được hun đúc qua hàng mấy nghìn năm.
Cồng Chiêng luôn xuất hiện, từ những ngày tổng kết liên hoan của thôn xóm, cho đến những ngày lễ hội lớn của cả vùng như lễ hội Khai Hạ ở Tân Lạc, hội xuân Mường Động ở Kim Bôi, hay lễ hội Sắc Bùa...Cồng chiêng không chỉ xuất hiện đơn lẻ từng chiếc, mà có khi là cả trăm, cả chục, thành dãy, thành hàng rất độc đáo và lôi cuốn. Riêng về lễ hội Sắc Bùa, nó được coi là một trong những sinh hoạt văn hóa thuộc hàng đỉnh cao về nghệ thuật diễn tấu âm nhạc cồng chiêng, về sự gắn kết của tập thể cộng đồng trong mường, bản. Trong lễ hội Sắc Bùa Cồng chiêng xuất hiện với vị trí trung tâm, là "linh hồn" của buổi lễ. Mỗi năm cứ đến tết nguyên đán từ ngày 27 hoặc 28 âm lịch, các ông có chức sắc trong Mường, trong bản, các thành viên là những người giỏi chơi nhạc cồng chiêng tập trung lại để vui hôị Sắc Bùa ngày xuân. Hội Séc Bùa được tổ chức thành phường bùa, hội bùa, dàn cồng, hội cồng, phường cồng. Lễ hội lôi kéo sự tham gia đông đảo của bà con, nó được tổ chức càng giúp cho người dân trong Mường ,trong bản cảm thấy cái tết thêm ấm cúng, no đủ và phấn khởi hơn. Mỗi khi tiếng Cồng, chiêng vang lên thì mỗi người dân đều cảm nhận được cái xuân đang thực sự về, đang thực sự hiện hữu, cái tết đến thật gần.
Thời gian trước đây do chưa hiểu rõ, chưa thấy rõ tầm quan trọng của loại "nhạc cụ đặc biệt" này nên số lượng cồng chiêng có sút giảm, nhưng hiện nay người dân đã có ý thức gìn giữ, bảo tồn, coi nó như tài sản quý giá của gia đình, dòng họ. Những bài Cồng Chiêng cổ được những "nghệ nhân" sưu tầm, khôi phục, gìn giữ và truyền lại cho con cháu. Trong một dịp tổng kết cuối năm của người cao tuổi xóm Sống ,xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, các cụ ông và các mế quây quần, rôm rả bên những chiếc cồng chiêng, cùng nhau đánh những bài chiêng cổ. Mế Hoàng Thị Phương, một hội viên trong chi hội cho biết: "mỗi dịp vui như thế này mà có thêm cồng chiêng mới thấy không khí, rộn ràng, Cồng chiêng gắn liền với bà con chúng tôi qua bao thế hệ, bao đời người. "