Diễn biến thời tiết: Tại khu vực đã xuất hiện các đợt mưa tập trung từ tháng 8/2022 đến tháng 9/2022 kết hợp với việc vận hành xả lũ của Công ty Thủy điện Hòa Bình đã gây ra ảnh hưởng đến hệ thống công trình đê, kè và dòng suối Chăm. Cụ thể: Công ty Thủy điện Hòa Bình xả lũ từ ngày 12/6 đến ngày 15/6 điều tiết vận hành mở 05 cửa xả, đợt xả lũ từ ngày 24/6 đến ngày 27/6 điều tiết vận hành mở 02 cửa xả; đợt xả lũ từ ngày 10/7 đến ngày 24/7 điều tiết vận hành mở 01 cửa xả. Đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 gây mưa lũ kéo dài từ ngày 09/8 đến 12/8, với tổng lượng mưa đo được tại phường Phương Lâm trong 4 ngày là 308,6mm (riêng ngày 11/8 là 202mm). Đợt mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 từ chiều ngày 25/8 đến đêm ngày 26/8, với tổng lượng mưa đo được tại phường Phương Lâm trong 2 ngày là 157,6mm (riêng ngày 26/8 là 128,2mm). Đợt mưa trong ngày 08/9/2022 tại trạm Phương Lâm, thành phố Hòa Bình với tổng lượng mưa đo được đạt 225mm đây là đợt mưa trong ngày lớn nhất tại thành phố Hòa Bình tính từ đầu năm 2022.
Diễn biến của tình huống thiên tai: Sau các đợt xả lũ của Công ty Thủy điện Hòa Bình, tại khu vực kè bảo vệ đê Đà Giang phía hạ lưu cầu Đen đã xuất hiện tình trạng sạt lở mái chân kè 2 bên bờ suối với chiều dài mỗi bên khoảng 80m, sâu từ 5-7m, rộng từ 5-10m, đặc biệt mái kè bờ trái đoạn giáp chân cầu đã sạt lở hết cơ kè và tứ nón chân cầu đến phần mái kè dài 40m, rộng trên 10m, sâu trên 7m nguy cơ tiếp tục sạt lở là rất lớn. Sau các đợt mưa do ảnh hưởng của hoàn lưu các cơn bão số 2 và số 3, khu vực hạ lưu cầu tiếp tục hư hỏng sạt lở thêm vào cơ kè bảo vệ đê Đà Giang. Đặc biệt đợt mưa lớn vào ngày 08 và ngày 09/9/2022, do ảnh hưởng của lũ, thượng nguồn suối Chăm nước dâng cao kết hợp với mực nước sông Đà xuống thấp tạo nên độ dốc dòng chảy lớn, tại khu vực cầu Đen dòng nước có lưu tốc lớn và lưu hướng thay đổi nhiều gây sói lở lòng dẫn nghiêm trọng và ảnh hưởng nguy hiểm đến các công trình hạ tầng và dân cư trong khu vực. Cụ thể: Từ khoảng 12 giờ đến 17giờ ngày 08/9, khoảng 60m phần chân kè và cơ kè bảo vệ đê Đà Giang (Phía bờ trái suối Chăm) từ hạ lưu cầu Đen đến cửa ra của suối Chăm bị sụp đổ hoàn toàn, tạo nên một mái dốc đứng nguy cơ gây sạt trượt tiếp phần mái kè trên cơ. Từ rạng sáng ngày 08/9/2022 đến ngày 09/9/2022. Hiện tượng xói lở lòng dẫn suối Chăm phát triển nhanh lên phía thượng lưu, đến 17 giờ ngày 09/9/2022, phạm vi xói lở cách thượng lưu cầu Đen khoảng 15m, tạo ra một hố xói sâu khoảng 3m (độ sâu chưa được xác định cụ thể). Hai bờ phía thượng lưu cầu Đen cũng bị sạt lở với chiều cao khoảng 5m, phía bờ trái phạm vi sạt lở ăn sâu vào bờ khoảng 6 - 8m; phía bờ phải vết sạt đã sát với phần mố trụ cầu Đen; đến thời điểm sáng ngày 12/9/2022 hiện tượng xói lở vẫn tiếp diễn, đặc biệt mái kè thượng lưu cầu xuất hiện sạt trượt cách móng nhà dân từ 2-2,5m. Hiện tại nước thải sinh hoạt và nước thấm từ trong mái kè vẫn chảy ra, nguy cơ xói lở tiếp diễn hai bên thượng lưu cầu là rất lớn.
Về phạm vi, mức độ ảnh hưởng của tình huống thiên tai: Hệ thống kè bảo vệ đê Đà Giang phía bờ trái từ hạ lưu cầu Đen đến cửa ra của suối Chăm giáp với sông Đà bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến an toàn đê Đà Giang là tuyến đê cấp III bảo vệ trực tiếp cho hạ tầng cơ sở của các cơ quan hành chính quan trọng của tỉnh, thành phố và nhân dân sinh sống tại các phường phía bờ phải sông Đà, thành phố Hòa Bình; tuyến kè bảo vệ đê Đà Giang là các kè bảo vệ trực tiếp khi Công ty thủy điện Hòa Bình xả lũ và lũ suối Chăm lên xuống theo sự điều tiết của Công ty thủy điện Hòa Bình. Sạt lở bờ và khu vực lòng dẫn suối Chăm tại khu vực thượng lưu cầu Đen sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các khu vực tứ nón bảo vệ mố cầu Đen là cây cầu huyết mạch, cửa ngõ dẫn vào Thành phố Hòa Bình trên trục đường Cù Chính Lan (Trước đây là Quốc lộ 6); nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo giao thông qua cây cầu này. Việc sạt lở tại khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của 14 hộ dân (thượng lưu cầu 08 hộ, hạ lưu cầu 06 hộ) nằm ở hai bên bờ thượng và hạ lưu cầu Đen (tại thời điểm sạt lở chính quyền địa phương đã di chuyển 06 hộ dân tại khu vực trực tiếp sạt lở). Trong trường hợp gặp điều kiện thời tiết bất lợi, việc xói lở lòng dẫn và sạt lở bờ sẽ có nguy cơ phát triển về phía thượng lưu, gây mất an toàn nghiêm trọng đến hàng chục hộ dân khu vực này, đặc biệt là các hộ dân nằm phía bờ phải suối Chăm. Thời điểm xảy ra tình huống thiên tai: Ngày 08/9/2022.
Các biện pháp khẩn cấp áp dụng để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, việc điều tiết vận hành của Công ty thủy điện Hòa Bình, kịp thời thông báo tới Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình và các cơ quan liên quan để chủ động có các biện pháp phòng tránh. Theo dõi diễn biến hư hỏng sạt lở đối với các tuyến kè đặc biệt các vị trí đã xảy ra sạt lở, kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp khẩn trương xử lý bước đầu để đảm bảo an toàn cho người dân và công trình; các biện pháp xử lý lâu dài để đảm bảo an toàn phòng chống sạt lở các vị trí nêu trên. Về lâu dài giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đơn vị chủ trì thực hiện dự án khẩn cấp để khắc phục các hư hỏng sạt lở nêu trên nhằm đảm bảo an toàn, bền vững các khu vực sạt lở. Khi kết thúc tình huống thiên tai, tham mưu báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai, theo quy định.
Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình: Thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở, xây dựng phương án sơ tán dân và triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại công văn số 1560/UBND-KTN ngày 08/9/202; tiếp tục rà soát, khoanh vùng cắm biển cảnh báo tại vị trí sạt lở, nguy cơ sạt lở trong khu vực đặc biệt khu vực sạt lở gần cầu Đen; sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực; thường xuyên cập nhật các thiệt hại (nếu có) báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Sở Giao thông vận tải: Chủ trì phối hợp cùng các Sở, ngành địa phương có liên quan rà soát đánh giá mức độ của việc sạt lở đối với việc đảm bảo giao thông qua cầu Đen đề xuất các biện pháp đảm bảo an toàn của cầu; tổ chức phân luồng giao thông khi có tình huống bất lợi xảy ra đối với cầu. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình trong công tác phòng chống thiên tai đặc biệt tại các khu vực trọng điểm theo quy định. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiêm vụ của mình tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc bố trí kinh phí thực hiện các nội dung liên quan đến khắc phục hậu quả thiên tai tại các vị trí hư hỏng, sạt lở nêu trên. Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan để thực hiện các phương án điều tiết giao thông; đảm bảo an ninh trật tự khi có các tình huống xảy ra. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị các lực lượng sẵn sàng tham gia ứng phó, khắc phục, di chuyển người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình cảnh báo về tình huống khẩn cấp; đăng bài, thông tin chính xác để nhân dân biết chủ động phòng tránh. Các cơ quan đơn vị liên quan căn cứ chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành, hướng dẫn, phối hợp để đơn vị quản lý công trình triển khai thực hiện các tình huống khẩn cấp đúng quy định của pháp luật./.