DetailController

Tin từ các đơn vị

Công bố bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại địa bàn xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc

22/07/2024 15:11
Ngày 19/7, UBND huyện Tân Lạc ban hành Quyết định số 1389/QĐ-UBND về việc công bố bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại địa bàn xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Công bố Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình như sau: Địa bàn xảy ra dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi (vùng có dịch) tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc đối với loài lợn kể từ ngày 17/7/2024.

Các xã vùng bị dịch uy hiếp: Xã Đông Lai và xã Tử Nê.

Các xã vùng đệm: Xã Ngọc Mỹ, thị trấn Mãn Đức.

Các biện pháp chống dịch: Triển khai đồng bộ Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 24/9/2020 của Ủy ban nhân dân huyện Tân Lạc về việc phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Tân Lạc, giai đoạn 2020 - 2025; đảm bảo nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch, không để lây lan diện rộng, giảm tối đa thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Trong đó cần tập trung một số biện pháp trọng tâm sau:

Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp: Trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn châu Phi mà không phải chờ kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong chuồng, dãy chuồng có lợn bệnh; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn bộ số lợn trong trang trại.

Thành lập các chốt kiểm soát vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn và thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị uy hiếp ra bên ngoài.

Đối với vùng có dịch (xã Thanh Hối): Lợn đến tuổi xuất chuồng hoặc trong trường hợp chủ cơ sở nuôi lợn có nhu cầu giết mổ lợn thì được phép giết mổ lợn dưới sự giám sát của cán bộ thú y và chính quyền địa phương với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Thịt lợn và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi vùng dịch, vùng bị uy hiếp, vùng đệm.

Tổ chức kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong phạm vi vùng dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm tại cơ sở, điểm giết mổ lợn dưới sự giám sát của cán bộ thú y và chính quyền địa phương.

Công bố hết dịch theo quy định của Luật Thú y, sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy con bệnh cuối cùng mà không có con nào mắc bệnh, đồng thời đã thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch bảo đảm không còn mầm bệnh để phát sinh ổ dịch mới hoặc lây lan sang nơi khác.

Hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định.

Tổ chức triển khai công tác khử trùng tiêu độc, lấy mẫu:

Đối với địa bàn xã Thanh Hối (ổ dịch): Thực hiện việc tổng vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày, trong 01 tuần đầu và 03 lần/ tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện nghi bị bệnh để xác định virus Dịch tả lợn châu Phi.

Đối với các xã vùng dịch uy hiếp: Thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc 01 lần/ngày trong 01 tuần đầu, và 03 lần/ tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định virus Dịch tả lợn châu Phi.

Đối với các xã, thị trấn vùng đệm: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 01 lần/tuần liên tục trong vòng 01 tháng kể từ khi có ổ dịch; đồng thời thực hiện việc theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định virus Dịch tả lợn châu Phi.

Tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.

Yêu cầu Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn chỉ đạo lực lượng Thú y viên các xã, thị trấn, các tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra, giám sát chủ hộ chăn nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện cách ly lợn ốm, mắc bệnh; thống kê số lượng từng loại lợn đối với từng hộ chăn nuôi; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu bệnh phẩm.

UBND huyện Tân Lạc giao: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện về công tác phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi. Tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện chỉ đạo xã Thanh Hối và các xã trong vùng dịch uy hiếp, vùng đệm thực hiện nghiêm Luật Thú y và áp dụng các biện pháp theo quy định về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Chuẩn bị các trang thiết bị vật tư, thuốc khử trùng, vôi bột hỗ trợ phòng chống dịch. Phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện bố trí kinh phí hỗ trợ công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; theo dõi và tổng hợp tình hình diễn biến của dịch bệnh, hàng ngày báo cáo về Uỷ ban nhân dân huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ các địa bàn có dịch, nhanh chóng bao vây, dập tắt ổ dịch và thực hiện phương án chống dịch. Kịp thời ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện: Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện các biện pháp thực hiện vệ sinh môi trường, ứng phó, xử lý sự cố môi trường theo quy định. Phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện tiêu hủy đàn lợn đúng quy định và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phòng Tài chính - Kế hoạch: Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện bố trí kinh phí kịp thời, đủ kinh phí để chống dịch và kinh phí hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn phải xử lý tiêu hủy theo quy định.

Công an huyện: Tổ chức kiểm soát phương tiện giao thông ra, vào vùng dịch, vùng bị uy hiếp và vùng đệm để thực hiện việc kiểm soát, vận chuyển và vệ sinh tiêu độc khử trùng. Cử cán bộ tham gia chốt kiểm dịch động vật liên ngành của huyện khi cần thiết.

Đề nghị Đội quản lý thị trường số 04: Tăng cường kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, các sản phẩm từ lợn. Cử cán bộ tham gia chốt kiểm dịch động vật liên ngành của huyện khi cần thiết.

Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đặc biệt đối với xã có dịch, xã trong vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp chống dịch và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, bố trí kinh phí thực hiện các biện pháp đồng bộ, quyết liệt chống dịch trên địa bàn hiệu quả.