Mong muốn đến được với các thầy giáo, cô giáo vùng cao Y Tý (Bát Xát - Lào Cai) đã khiến tôi vượt trập trùng núi cao vực thẳm. Ðến được Y Tý phải trải qua hành trình dài. Ở hành trình đó, tôi chỉ cõng được bản thân mình mà đã thấy ê ẩm cả người. Thế mà những người thầy, người cô nơi đây, bao năm qua đã cõng chữ lên, gieo ở vùng Y Tý xa xôi. Nhọc nhằn, gian nan chẳng bút nào tả xiết vậy mà họ vẫn bám trường, bám lớp, yêu lấy học sinh để truyền dạy cái chữ và nhận lấy niềm vui là sự trưởng thành của các học trò.
Hơn một tiếng đồng hồ vật vã cùng đường trơn, gập ghềnh "ổ trâu ổ bò", hết leo dốc lại xuống dốc, cuối cùng tôi cũng đến được trung tâm xã Y Tý. Trường THCS Y Tý (cơ sở chính) đã khang trang hơn trước, đang chìm trong sương. Học trò vừa tan trường, các thầy cô đã về phòng, sum vầy bên bếp lửa bập bùng. Làm thế nào để các thầy cô gắn bó cả năm cả đời ở nơi này mà không nản? Tôi biết, không thể không có sự trống trải, buồn nản. Thế nhưng, những người thầy nơi đây, chắc chắn đã gạt đi tất cả, lấy cái chữ và học trò làm nguồn vui. Học trò được tưới lên mình cái chữ, làm cho đầu óc sáng láng.
Có người ví von mỗi thầy cô trên Y Tý là mỗi bông hoa đang tỏa hương giữa những bản nhỏ xen kẽ các cánh rừng nguyên sinh, để khắp các cánh rừng đều trổ biếc. Ðôi vợ chồng anh Nguyễn Tiến Dũng và chị Nguyễn Thị Phượng đã gần 10 năm cắm bản, gieo cái chữ, cũng là gieo những nếp văn hóa để làm đặc sắc thêm nét văn hóa truyền thống của một vùng đất. Y Tý còn gian nan và công việc gieo chữ, trồng người ở đây có lẽ là gian nan nhất. Ðường sá thì lầy lội và cheo leo, cơ sở vật chất nghèo nàn. Những điểm trường ở Lao Chải, Hồng Ngài, Sín Chải, Phan Cán Sử... còn chưa có điện, lớp học tạm bợ và nhiều phòng phải học ghép. Nghĩa là cả hai hoặc ba lớp với trình độ khác nhau phải ngồi chung phòng và có những giáo viên dạy riêng. Nhưng cũng có phòng hai lớp, lại chỉ có một người đứng dạy, lớp này văn lớp kia toán. Mùa đông băng giá, nhiệt độ xuống đến 40C mà thầy trò vẫn nhiệt tình dạy và học. Sương giăng đến nỗi hai người đứng cách nhau hai sải tay mà chẳng nhìn rõ mặt. Lại nữa, đôi khi thầy phải xắn quần đến tận nhà "săn" những học trò trốn học đem về lớp. Rồi lại dỗ dành, tâm tình. Rồi tạo môi trường thân thiện để làm cho tình thầy trò khăng khít. Và các em cứ sáng hơn mỗi ngày bởi những con chữ no tròn nhiệt huyết. Những phép cộng phép trừ biến hóa, cải tạo đời sống người dân. Những ước mơ cao đẳng, đại học được chắp cánh, để rồi các em sớm trở thành những kỹ sư, bác sĩ trở về giúp đồng bào làm cho thóc đầy bồ, gia súc đầy chuồng, thảo quả trải đầy nương rẫy. Và sẽ lại có thêm những chiếc mô-tô, xe máy nổ rộn vang đường xuống chợ... Thầy Dũng bảo: "Ðúng là tình yêu làm đất lạ hóa quê hương. Tôi quê ở Nam Ðịnh, nhưng đã xây dựng gia đình và gắn bó với Y Tý rồi!".
Gian nan các điểm trường
Từ Y Tý vào Hồng Ngài phải vượt qua 70 km đường lổn nhổn đá sỏi, còn vất vả hơn những gì mà các chiến sĩ Ðồn biên phòng Y Tý đã nói, chẳng khác việc leo đỉnh Phan-xi-păng là mấy. Hồng Ngài xa xôi, dễ làm nản lòng tất cả những người muốn đến bản bởi những con dốc dài nối nhau đi rụng rời chân mà vẫn không hết. Núi non nối với nhau trùng trùng, điệp điệp, che cả tầm mắt. Rồi bất ngờ, cả biển sương vờn lên, trườn qua các đỉnh núi và bao phủ toàn bộ không gian, dìm tất cả núi non vào màn sương, đó là điều thường thấy ở vùng cao Y Tý.
Ba giáo viên cắm ở điểm trường Hồng Ngài cực kỳ vất vả. Vào mùa đông, mỗi lần xuống trung tâm xã, họ phải đối diện với cái lạnh thốc vào mặt, cứa vào da thịt, cộng thêm cung đường khúc khuỷu, thăm thẳm dốc và hun hút gió. Việc đi lại ở đây toàn dùng... hai cẳng nên mỗi chuyến đi lại là mỗi lần trầy trật như bị hành xác. Thế mà các thầy vẫn gắng và chịu đựng; thế mà bao nhiêu năm qua, đồng bào các dân tộc vẫn ăn đời ở kiếp, sống và bảo vệ rừng, bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc, rồi sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống và làm nên những nét văn hóa đặc sắc của mình.
Các giáo viên cắm bản Hồng Ngài ở ghép cùng hai chiến sĩ biên phòng cho vui vẻ, ấm cúng. Họ không chỉ có nhiệm vụ gieo chữ, mà còn tìm hiểu văn hóa của người dân, học tiếng người dân để có thể giao tiếp dễ dàng với họ, gắn bó với họ hơn. Những việc đó giúp cho dạy học rất nhiều. Hồng Ngài còn nghèo và lạc hậu. Nhiều người dân còn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc học cái chữ. Học trò nhiều khi vẫn bỏ học. Giáo viên nhiều khi phải đến tận nhà nói chuyện, tìm hiểu nguyên nhân rồi khuyến khích học trò đến lớp bằng nhiều cách. Gần gũi, thân thiện, gắn bó với người dân là cách các thầy giáo cũng như chiến sĩ biên phòng vận dụng để sống và làm việc tốt ở nơi thời tiết khắc nghiệt này. Vào mùa hè, có khi nắng cháy da. Mùa đông lại rét như cắt thịt. "Người ta vẫn bảo chúng tôi làm nghề cõng chữ lên non, nhưng còn hơn thế, chúng tôi phải chiến đấu với khó khăn, với thời tiết khắc nghiệt. Người giáo viên vùng cao chúng tôi đang phải từng ngày, từng giờ gồng mình đưa từng con chữ lên cao để khai sáng, sưởi ấm những tâm hồn lạc hậu ở những nơi vùng cao giá lạnh, góp phần xóa dần khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược. Không có cái chữ, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn biết phá rừng, khai thác sản vật, tài nguyên đến cạn kiệt, hủy hoại môi trường sống của chính mình và cộng đồng. Không có cái chữ, đời sống văn hoá tinh thần của họ kém phát triển dẫn đến sinh đẻ thiếu kế hoạch, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, kẻ xấu lôi kéo làm hại..." - thầy giáo Trần Văn Chiến tâm sự. Lời của thầy nói hộ hết những tâm sự của giáo viên Y Tý, giáo viên Lào Cai và bất kỳ giáo viên vùng cao nào.
Chính sự khắc nghiệt về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao ở nhiều nơi chẳng những đói cái chữ mà còn đói cái bụng. Họ cần được giúp để no cái bụng và có thể chuyên tâm học chữ. Họ cần được khai sáng để hiểu rằng, cái chữ cần thiết như cơm ăn, áo mặc, nước uống hằng ngày. Chính cái chữ sẽ giúp họ cải tạo môi trường sống, nâng cao chất lượng văn hóa tinh thần và vật chất.
Không chỉ Hồng Ngài mà các điểm trường ở các thôn Lao Chải 1, Lao Chải 2, Lao Chải 3, Phan Cán Sử, Chung Chải, Sim San cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trường lớp thì tạm bợ, học sinh thì nhiều em còn ở xa xôi, ngại đến lớp. Nhiều em là nạn nhân của trận mưa lũ lớn vào tháng 8-2008 vẫn chưa hết bàng hoàng. Hơn 70% học sinh chịu thiệt hại, khi người thân, nhà cửa, trâu bò, ruộng nương bị lũ cuốn trôi. Có những em bị mất người thân đã không muốn đi học nữa. Nhà nước và nhiều tổ chức đã hỗ trợ vùng chịu thiệt hại do lũ gây ra. Nhưng những người ổn định tinh thần và giúp đỡ, động viên các em học sinh đến trường vẫn là các thầy giáo, cô giáo và các chiến sĩ đồn biên phòng. Bởi họ sống bên các em, làm bạn và dạy cho các em.
Gian nan ở các điểm trường là đường đi, thời tiết. Khó khăn ở các điểm trường là cơ sở vật chất còn thiếu thốn như lớp học, bàn ghế, sách vở... 100% phòng học ở các điểm bản được dựng bằng tre nứa.
Bản thân thầy Chiến gắn bó với Y Tý gần 10 năm cũng không ngờ khó khăn đã vượt qua dự định của mình nhiều thế. Thầy Chiến cho biết thêm: "Chuyện học sinh ở các điểm trường bỏ lớp xảy ra như cơm bữa. Không có học sinh thì sự tồn tại của giáo viên là vô nghĩa. Cho nên ngoài soạn giáo án, đứng lớp, chúng tôi còn phải dành tất cả thời gian còn lại để vận động học sinh đến trường. Khó khăn cứ nhân lên gấp bội do điều kiện sống, trình độ dân trí, nhận thức của đồng bào vùng cao thấp hơn nhiều so với đồng bào miền xuôi".
Những bài ca đẹp
Nhiều văn nghệ sĩ đã đến với Y Tý. Nhiều tác phẩm chân thực và cảm động đã ra đời nói về công lao, đóng góp của những giáo viên vùng cao đối với sự nghiệp trồng người. Tôi từng thắc mắc rằng, sẽ có những công việc khác đỡ nhọc nhằn hơn ở vùng xuôi để những giáo viên lựa chọn. Thầy giáo Dũng cũng nói: "Ở đời, đâu thiếu những sự hy sinh. Nếu ai cũng nghĩ đi tìm công việc khác, để khỏi vất vả nơi vùng cao, thì cuộc đời này sẽ thế nào". Vâng, một câu trả lời dứt khoát. Dù khó khăn, nhưng họ đã chọn sống và làm việc, cống hiến và chịu đựng ở đây như một sự lựa chọn. Họ nghĩ thế và chúng ta nên có nhiều người nghĩ và làm thế. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành cho ai? Việc làm của các anh chị đã là một bài ca đẹp. Sự chịu đựng của các anh chị nơi rẻo cao khắc nghiệt này tiếp tục là những bài ca dài vô tận. Thành quả mà nhiều năm qua, các thế hệ giáo viên đã làm được là năm sinh viên đại học, gồm hai chị em Ly Thó Chụ và Ly Thó Xa (Sư phạm Tây Bắc), Ly Giờ Gụ (Kinh tế quốc dân), Tráng Thó Phia (Mỹ thuật Hưng Yên), Tráng Thị Hoa (Sư phạm I Hà Nội). Những người này sẽ góp phần làm nên sự đổi khác cho Y Tý tương lai.
Ðồng bào dân tộc ở Y Tý là người Dao, Mông và Hà Nhì, họ sống không mong gì hơn là một mái nhà lúc nào cũng đỏ lửa, những bồ lương thực đầy và cánh rừng xanh mát. Cũng như những người làm nghề gieo chữ trên rẻo cao này, họ biết thế nào là tốt cho cuộc đời và biết những người dân đang cần gì ở họ. Vì thế họ đã ra sức chăm cho những cây đời, chăm cho những mầm non bé nhỏ. Suốt chín tháng của năm học là chín tháng của mùa gieo chữ. Gieo khéo sẽ cho những mùa màng tốt tươi. Ở đây, công việc gieo chữ cũng khó như người dân vùng đá Hà Giang gieo hạt giống trên đá. Thế mà, mầm cây vẫn nảy và đến mùa vẫn kết trái.
Ngày mai tôi về xuôi. Những thầy giáo, cô giáo ở đây sẽ lại lên lớp. Phép cộng trừ nhân chia, những bài hát, bài giảng sẽ phần nào làm nản lòng màn sương dày đặc. Con người Y Tý luôn có những cách riêng chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Các thầy giáo, cô giáo cũng vì tình thương yêu học trò mà thêm gắn bó để Y Tý sẽ đẹp hơn, ấm no hơn. Mai kia, tôi tin vậy, những con đường vào các bản làng Y Tý được mở rộng, trải nhựa, hẳn là các thầy cô sẽ đỡ vất vả phần nào. Nghĩ vậy, tôi bỗng thấy sau lưng mình như có tiếng cựa mình của đại ngàn.